11:44 14/03/2014

Vì sao Mỹ từ chối tài trợ vũ khí cho Ukraine?

An Huy

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama chỉ nhất trí gửi thực phẩm quân sự cho Kiev

Thủ tướng tạm quyền của Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk, tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ở New York ngày 13/3 - Ảnh: AP.<br>
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk, tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ở New York ngày 13/3 - Ảnh: AP.<br>
Chính phủ lâm thời của Ukraine đã đề nghị Mỹ hỗ trợ quân sự, bao gồm vũ khí, đạn dược và hỗ trợ tình báo - nguồn tin thân cận tiết lộ với báo Wall Street Journal. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama chỉ nhất trí gửi thực phẩm quân sự cho Kiev do lo ngại một động thái mạnh hơn có thể “châm ngòi” cho căng thẳng bùng nổ.

Tờ báo trên bình luận, quyết định của Mỹ phản ánh sự thận trọng của Lầu năm góc. Rõ ràng, Washington không muốn bị xem là trực tiếp hỗ trợ cho quân đội Ukraine trong cuộc đối đầu với nước Nga, bất chấp việc Crimea có thể gia nhập Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 16/3 này.

Tình hình căng thẳng ở Ukraine bị đẩy cao khi hôm qua (13/3), Nga thực hiện một cuộc tập trận quân sự ồ ạt khác ở gần biên giới với Ukraine. Điện Kremlin cũng đã xác nhận gửi 6 máy bay chiến đấu Sukhoi và 6 máy bay vận chuyển tới Belarus để tham gia hoạt động tuần tra chung ở đây. Giới chức Belarus cho hay, động thái này nhằm phản ứng trước hoạt động tuần tra đường không được đẩy cao trong khu vực bởi Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trước những diễn biến trên, giới chức Mỹ thừa nhận, Chính phủ nước này đang đối mặt với một tình thế khó xử. Một mặt Washington muốn thể hiện sự hỗ trợ dành cho các nhà lãnh đạo lâm thời ở Kiev, nhưng mặt khác không muốn “chọc giận” một Moscow vốn dĩ rất khó đoán biết, hay tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine để nước này có thể có những động thái khiến bạo lực bùng nổ.

“Đây không phải là một câu trả lời ‘không’ vĩnh viễn, mà chỉ là ‘không’ vào thời điểm này”, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói về câu trả lời của Washington đối với đề nghị hỗ trợ quân sự mà Kiev đưa ra.

Lập trường này của Nhà Trắng khiến nhiều nghị sỹ Mỹ không đồng tình. “Chúng ta không nên áp dụng cấm vận vũ khí đối với các nạn nhân của sự gây hấn”, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain của bang Arizona phát biểu trước chuyến thăm Ukraine cùng với các nhà làm luật Mỹ khác vào hôm nay (14/3).

Đề nghị hỗ trợ quân sự của Ukraine được đưa ra trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tuần này của Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, và ngay trước khi Ngoại trường Mỹ John Kerry dự định có cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại London trong nỗ lực phút chót tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Chủ nhật tuần này, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea sẽ quyết định vùng này có tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ở New York ngày 13/3, ông Yatsenyuk đã đề xuất đối thoại với Nga để trở thành “những đối tác thực sự của nhau” và cam kết bảo về tất cả các dân tộc thiểu số ở Ukraine. Mỹ thì tuyên bố đã soạn thảo một nghị quyết công bố cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 ở Crimea là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nghị quyết này có thể sẽ bị Nga phủ quyết.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo trừng phạt đối với Nga. Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel có lời cảnh báo mạnh mẽ bất ngờ nhằm vào Moscow. Theo bà Merkel, châu Âu đã sẵn sàng áp các lệnh trừng phạt kinh tế rộng hơn nếu Ukraine tiếp tục bị đe dọa. Hiện châu Âu đã sẵn sàng cho việc đóng băng tài sản và cấm visa đối với Nga.

“Nếu Nga tiếp tục các chính sách của những tuần qua, thì điều xảy ra sẽ không chỉ là thảm họa đối với Ukraine. Chúng tôi, với tư các các quốc gia láng giềng, cũng xem đây là một thảm họa”, bà Merkel phát biểu trước Quốc hội Đức ở Berlin. “Điều này sẽ không chỉ thay đổi mối quan hệ giữa EU với Nga, và tôi tin rằng, sẽ gây thiệt hại lớn cho nước Nga về kinh tế và chính trị”, bà Merkel nói.

Giới quan sát, những lời cảnh báo mà bà Merkel nhằm vào Nga gần như là chưa từng có tiền lệ đối với một nhà lãnh đạo Đức trong những thập kỷ gần đây - khoảng thời gian mà nước Đức nỗ lực hòa giải với Nga hậu thời kỳ chiến tranh lạnh.

Mối quan hệ kinh tế của Nga với Đức gần gũi hơn với bất kỳ một nước phương Tây nào khác. Kim ngạch thương mại song phương hàng năm Nga-Đức hiện ở mức khoảng 100 tỷ USD.

Về đề nghị được hỗ trợ quân sự mà Ukraine đưa ra với Mỹ, Kiev muốn Lầu năm góc cung cấp vũ khí, đạn dược, thiết bị liên lạc, hỗ trợ tình báo, xăng  máy bay, kính nhìn xuyên màn đêm… , theo nguồn tin của WSJ. Tuy nhiên, Lầu năm góc tạm thời chỉ nhất trí cung cấp cho Ukraine các khẩu phần ăn quân đội đã được chế biến sẵn. Số thực phẩm này sẽ bắt đầu được vận chuyển sang Ukraine trong vài ngày tới, nguồn tin nói.

Đến nay, Lầu năm góc vẫn chưa muốn tham gia trực tiếp vào cuộc đối đầu giữa Ukraine và Nga vì lo ngại làm khủng hoảng lan rộng. Tuy nhiên, Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Đông Âu để trấn an các nước đồng minh trong khu vực, bao gồm tăng cường hoạt động đào tạo chung với các lực lượng NATO và tăng cường tuần tra đường không trên bầu trời Estonia, Lithuana và Latvia. Ngoài ra, Lầu năm góc cũng đã dừng hợp tác quân sự với Nga.