08:02 14/09/2023

Vì sao nhiều đơn vị xin trả hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công?

Hoài Phong

Theo các chuyên gia, nhiều nhà thầu dù rất muốn có công việc nhưng lại chưa mặn mà với các dự án đầu tư công vì càng làm càng lỗ. Nguyên nhân chính là khi lập dự toán không lường được biến động giá cả các loại nguyên vật liệu và phát sinh chi phí khác…

Khoảng 60% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cần hoàn thành trong 4 tháng cuối năm 2023.
Khoảng 60% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cần hoàn thành trong 4 tháng cuối năm 2023.

Trong bối cảnh tổng cầu suy giảm mạnh, đầu tư công được kỳ vọng là động lực chính giúp giữ nhịp tăng trưởng cho năm 2023.

Dù Bộ Tài chính ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 đạt 39,6% kế hoạch, tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, vẫn có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn. Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm 9.355,71 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công.

TRƯỚC MẮT CẦN TẬP TRUNG NGUỒN LỰC VÀO CÁC DỰ ÁN SẮP HOÀN THÀNH

Đáng nói, từ đầu tháng 3/2023, khi ban hành Chỉ thị về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không để tình trạng có vốn mới chuẩn bị đầu tư, vốn chờ thủ tục và không trả lại kế hoạch vốn năm 2023. 

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng các bộ/ngành, địa phương trả lại vốn đầu tư công được giao vì thấy thiếu tính khả thi.

 

"Nếu quá nhiều dự án triển khai ồ ạt và cùng thúc tiến độ thì lấy đâu nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào và nhân công đáp ứng trình độ? Không cẩn thận sẽ dẫn đến tắc nghẽn nút cổ chai".

TS. Nguyễn Quốc Việt

 “Quy hoạch và năng lực khai thác các vật liêu không thể theo kịp quy mô đầu tư công tăng lên.  Thêm vào đó, giá một số vật liệu, nhất là các vật liệu làm nền cho cơ sở hạ tầng như cát, đất nền tăng cao làm biến đổi chi phí dự án khiến các đơn vị không kịp điều chỉnh tổng mức đầu tư”, ông Việt nhận định.

TS. Nguyễn Quốc Việt đặt vấn đề: “Nếu quá nhiều dự án triển khai ồ ạt và cùng thúc tiến độ thì lấy đâu nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào và nhân công đáp ứng trình độ? Không cẩn thận sẽ dẫn đến tắc nghẽn nút cổ chai. Giá vật liệu leo thang sẽ biến cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư thành con tin của dự án. Nghĩa là, nhà thầu càng làm càng lỗ còn chủ đầu tư (các bộ/ngành, địa phương) thì rơi vào cảnh trở đi mắc núi trở lại mắc sông”. 

Vị chuyên gia cho rằng hiện các bộ/ngành, địa phương đang thiếu cơ quan chuyên môn có nghiệp vụ để tính toán và lập các phương án dự phòng rủi ro cho dự án đầu tư công. Giá cả nguyên liệu đầu vào tính toán không sát ngay từ đầu hoặc đã tăng giá rất cao so với thời điểm phê duyệt tổng mức đầu tư dự án khiến quá trình triển khai bị động.

Ông Việt cũng cho hay thời gian qua nhiều địa phương đã nỗ lực làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, do bị vướng mắc trong khâu phê duyệt và tổng thầu trọn gói nên nhiều nhà thầu không thể triển khai thi công.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia khuyến nghị các cơ quan quản lý và chủ đầu tư nên trao đổi và có sự phối hợp để trong trường hợp dự án thật sự khó khả thi thì cho phép giãn tiến độ, điều chuyển.

CẦN CẢI THIỆN TỪ KHÂU LẬP KẾ HOẠCH VÀ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN

“Nhiều khi chỉ một chi tiết nhỏ lại dẫn đến những ách tắc lớn. Ví dụ, yếu tố về định mức đơn giá chẳng hạn. Định mức đơn giá về xây dựng sẽ ảnh hưởng đến việc lập dự toán, thanh toán…, nhưng nếu không sửa dự toán thì sẽ ách tắc. Do đó, phải giải quyết những việc rất cụ thể và chi tiết”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) nói. 

 

"Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị hoàn trả, cắt giảm giảm 9.355,71 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Riêng đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có một số bộ như Bộ Lao động và Thương binh xã hội đề nghị rút khỏi chương trình với số vốn là 946,6 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị rút 1 dự án ra khỏi chương trình".

Báo cáo Bộ Tài chính.

Khuyến nghị cần cải thiện từ khâu lập kế hoạch và thẩm định dự án, chuyên gia một định chế tài chính quốc tế cho rằng dự án có chất lượng đầu vào thấp khi đưa vào triển khai sẽ dẫn đến điều chỉnh, đội vốn và chậm tiến độ.

Theo đó, cần dành thêm thời gian và ngân sách để chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án và cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn theo cách cuốn chiếu. Định mức, đơn giá và giá đất cần được cập nhật định kỳ cho sát với thị trường nhằm đảm bảo dự toán kinh phí sát thực tiễn

Ngoài ra, việc bóc tách khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư ra khỏi dự án đầu tư có thể giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là đối với các dự án lớn. Các biện pháp điều chỉnh và chấm dứt dự án trong thực tế cần căn cứ vào cơ chế để các bộ/ngành trung ương và địa phương xác định một cách có hệ thống những dự án có rủi ro không thể hoàn thành.

Các chuyên gia đánh giá áp lực hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm khá lớn.

TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công quý sau cao hơn quý trước cũng đáng khích lệ nhưng không nên quá vui mừng, bởi nhiệm vụ thời gian tới còn khá nặng nề với gần 60% kế hoạch chưa được hoàn thành.

Theo ông Nhân, rất nhiều nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công được chỉ ra, trong đó có những nguyên nhân “cố hữu” nhiều năm, nhưng vấn đề là cần quyết liệt khắc phục.

Ví dụ, ở miền Tây, cát san lấp cao tốc hiện chưa đủ, các cơ quan liên quan từ địa phương, Bộ Tài nguyên và môi trường phải vào cuộc để có đủ nguồn vật liệu. Nếu vướng mắc lớn ở khâu giải phóng mặt bằng thì nên đặt câu hỏi vì sao có địa phương giải phóng mặt bằng rất tốt, tỷ lệ rất cao, nhưng nhiều địa phương lại rất chậm chạp, trong khi cơ chế, chính sách như nhau?

Còn PGS. TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) kiến nghị cần chú ý đến yếu tố “động cơ giải ngân”. 

Theo ông Cường, muốn giải ngân đầu tư công tốt thì phải có động lực từ cả 2 phía, trung ương lẫn địa phương. Hơn nữa, việc giải ngân được hay không, không chỉ vấn đề ở người lãnh đạo mà còn phụ thuộc vào người làm trực tiếp. Do đó, phải khắc phục được vấn đề này và cần “thưởng phạt nghiêm minh”.

“Dù Thủ tướng cũng có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, nhưng chưa có hướng dẫn rõ ràng, chi tiết. Nếu không có hướng dẫn chi tiết mà chỉ hô hào chung chung thì các cấp bên dưới cũng khó làm cho hiệu quả”, ông Cường nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng đầu tư công liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Muốn giải ngân tốt thì cần thành lập các tổ công tác trong từng bộ, ngành, để rà soát thực sự xem vướng ở khâu nào, vấn đề nào để giải quyết?

Đồng tình quan điểm này, TS. Lê Bá Chí Nhân đề nghị: “Ai làm tốt phải thưởng, còn làm không tốt phải khiển trách theo từng mức độ khác nhau. Để thực hiện điều này cần có hướng dẫn và tiêu chí cụ thể. Nếu không có thưởng phạt phân minh thì cơ quan làm tốt cũng giống cơ quan không làm tốt, sẽ nảy sinh sự ỷ lại”.