00:35 12/02/2010

Vì sao “thắt” lãi suất tiền gửi USD của tổ chức?

Minh Đức

Sau 3 năm cho thực hiện cơ chế thỏa thuận, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu “thắt” lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức tại ngân hàng

Ngày 11/2, các ngân hàng đồng loạt rút lãi suất huy động USD đối với các tổ chức về tối đa 1% thay vì từ 2,5% - 4,5%/năm trước đó.
Ngày 11/2, các ngân hàng đồng loạt rút lãi suất huy động USD đối với các tổ chức về tối đa 1% thay vì từ 2,5% - 4,5%/năm trước đó.
Sau 3 năm cho thực hiện cơ chế thỏa thuận, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu “thắt” lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức tại ngân hàng.

Ngày 10/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số  03/2010/TT-NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng Đô la Mỹ (USD) của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng.

Theo đó, kể từ ngày 11/2/2010, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng được ấn định tối đa là 1,0%/năm. Quy định về lãi suất tiền gửi bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng theo Quyết định số 07/2007/QĐ-NHNN ngày 6/2/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tiền gửi của pháp nhân tại tổ chức tín dụng hết hiệu lực thi hành.

Đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng phát sinh trước thời điểm chính sách mới có hiệu lực thi hành, thì được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn đã thoả thuận giữa tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế.

Như vậy sau 3 năm cho thực hiện cơ chế thỏa thuận, Ngân hàng Nhà nước trở lại “thắt” lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức tại ngân hàng. Trước năm 2007, Ngân hàng Nhà nước cũng từng áp cơ chế trần cụ thể ở các kỳ hạn đối với nguồn tiên gửi này.

Trước mắt, có thể thấy chính sách trên ảnh hưởng cụ thể đến lợi ích của các tổ chức gửi ngoại tệ có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng ở những hợp đồng mới bắt đầu từ ngày 11/2/2010. Trước đó họ được nhận các mức lãi suất có từ 2,5% - 3,5%/năm, thậm chí tại một số ngân hàng cổ phần lên tới trên 4%/năm, hoặc theo thỏa thuận đối với các trường hợp cụ thể và theo các mức tiền gửi; nay tối đa chỉ 1%/năm.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước có quyết định “thắt” lại lãi suất của nguồn tiền gửi này? Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cùng với việc tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mục đích của Thông tư là “nhằm cân đối hài hòa cung - cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô”.

Tất nhiên giải thích đó không thỏa mãn với những yêu cầu cụ thể. Nhưng có thể tính đến một số phản ứng mà có thể Ngân hàng Nhà nước mong đợi.

Theo bình luận của một công ty chứng khoán gửi đến nhà đầu tư mang tính tư vấn, “đây chính là một hình thức kết hối theo hình thức “tự xử” đối với các tổ chức có tiền gửi USD, ngăn chặn việc Đô la hóa trong nền kinh tế và giúp tăng nguồn cung USD đối với các ngân hàng thương mại”.

Hiện nay, đầu vào ngoại tệ của Việt Nam chủ yếu có từ xuất khẩu, kiều hối, đầu tư nước ngoài… Trong năm 2009, một tình trạng nổi bật và kéo dài là việc nhiều doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, ngay cả nguồn kiều hối, găm giữ và không bán lại cho ngân hàng, dẫn đến căng thẳng trên thị trường. Nay, với chính sách mới, quyết định găm giữ sẽ phải cân nhắc.

Với quy định trên, lãi suất tiền gửi USD của tổ chức kinh tế tối đa là 1%/năm, tạo sự chênh lệch quá lớn so với lãi suất tiền gửi VND (phổ biến là 10,49%). Chênh lệch và lợi ích lớn khi chuyển sang tiền gửi VND sẽ có giá trị thúc đẩy hoạt động bán lại ngoại tệ cho ngân hàng, nhất là từ các doanh nghiệp xuất khẩu. Hẳn đây là mục đích cụ thể của Ngân hàng Nhà nước, để từ đó “cân đối hài hòa cung - cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ” như nhà điều hành giải thích.

Cùng với quy định “trần” lãi suất, việc tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng cùng thời điểm cũng là một quyết định cộng hưởng để các tổ chức đang găm giữ ngoại tệ hài lòng hơn với quyết định bán ra.

Tuy nhiên, một vấn đề khác nảy sinh là khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn “rơi” mạnh và bị khống chế tối đa 1%/năm như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động ngoại tệ của các ngân hàng thương mại từ khối tổ chức. Điều này hẳn Ngân hàng Nhà nước đã có sự tính toán và cân đối trên cơ sở cơ cấu các nguồn tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống hiện nay.

Mặt khác, cũng không loại trừ khả năng mức “trần” theo cơ chế mới có một sự linh hoạt; Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh trong từng thời điểm để phù hợp với tình hình huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống.