19:35 13/04/2012

Vì sao Triều Tiên “chịu chi” cho việc phóng tên lửa?

Vinh Nguyễn

Triều Tiên đã chi 850 triệu USD cho lần phóng vệ tinh hôm 13/4. Số tiền này đủ để nuôi 19 triệu người Triều Tiên trong một năm

Người dân Hàn Quốc nín thở theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra sáng nay - Ảnh: THX.
Người dân Hàn Quốc nín thở theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra sáng nay - Ảnh: THX.
Sáng 13/4, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đã phát đi bản tin, trong đó thừa nhận vụ phóng tên lửa mang vệ tinh quan tắc của nước này đã gặp thất bại và các chuyên gia, kỹ thuật viên đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, vụ phóng được thực hiện tại bãi Tongchang-ri vào lúc 7h39 sáng 13/4 theo giờ địa phương. Người phát ngôn Kim Min-Seok nói rằng, tên lửa đã rơi và vỡ tan tành sau khi rời bệ phóng được ít phút.

Phản ứng dữ dội của thế giới

Mặc dù Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh thất bại, song nhiều quốc gia cho rằng, hành động này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và cố ý khiêu khích, đe dọa tới nền hòa bình và sự ổn định tại khu vực Đông Bắc Á.

Ngay sau khi có tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Chính phủ Mỹ đã ra tuyên bố, mặc dù thất bại, nhưng đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại những cam kết gần đây của Triều Tiên và đe dọa an ninh trong khu vực.

“Bất chấp việc phóng tên lửa thất bại, hành động khiêu khích này của Triều Tiên vẫn đe dọa tới an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại những cam kết gần đây của nước này”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, nước này sẽ thực hiện hủy bỏ kế hoạch viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên. Quan chức này cũng cho rằng, vụ phóng vệ tinh thất bại cho thấy sự hiệu quả của các lệnh cấm vận hiện giờ đối với Bình Nhưỡng.

Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Kim Sung-hwan khẳng định rằng, Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ phóng tên lửa. Theo ông Kim Sung-hwan, hành động của Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm của Liên hiệp quốc về thử tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, Hạ viện Nhật Bản cùng ngày đã thông qua nghị quyết phản đối vụ thử tên lửa của Triều Tiên, trong đó nêu rõ, “vụ việc là không thể chấp nhận được. Việc đe dọa tới hòa bình, ổn định của khu vực Đông Á sẽ càng làm cho Triều Tiên bị cô lập”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Jun Azumi, thông báo nước này có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên, song điều này sẽ còn phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng quốc tế như thế nào.

Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao nước này cho hay, hành động phóng tên lửa của Triều Tiên bất kể vì mục đích gì đều đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh William Hague cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên và kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ. Còn theo lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada John Baird, kiểu hành xử này “thật táo tợn”.

Mổ xẻ nguyên nhân thất bại

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, hàng chục tàu hải quân của nước này, đa số được trang bị hệ thống định vị siêu âm và được thợ lặn hỗ trợ đang ra sức tìm kiếm các mảnh vỡ của tên lửa do Triều Tiên phóng đi sáng nay.

Người phát ngôn của Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, hải quân nước này đã tiến hành chiến dịch vớt các mảnh vỡ tên lửa. “Chúng tôi đã xác định được vị trí các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống và đang tìm cách trục vớt chúng”, ông này nói.

Theo quân đội Hàn Quốc, mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên đã rơi xuống ngoài khơi cách thành phố Kunsan bên bờ biển phía Tây Hàn Quốc từ 190 – 210 km. Còn Đài NHK của Nhật cho hay, tên lửa đã đạt độ cao 120 km, sau đó vỡ làm 4 và rơi xuống Hoàng Hải.

Nhận định về thất bại này, Giáo sư Yasaka Tetsuo thuộc trường Đại học Kyushiu, cho rằng, có thể là do “động cơ gần tầng thứ nhất gặp sự cố khiến cho tên lửa bốc cháy và trượt khỏi đường bay dự định. Và Triều Tiên đó đã ra lệnh phá hủy tên lửa”.

Một nhà phân tích người Nhật khác là Chiaki Akimoto thì nhận định, nguyên nhân là tầng thứ 2 của tên lửa quá cũ kỹ. Theo ông, tầng thứ hai sử dụng đạn đạo của tàu ngầm có từ thời Liên Xô (cũ) nên đã khiến cho nó không thể tách ra khỏi tầng thứ nhất.

Còn theo nhà khoa học Pháp Christian Lardier, vụ phóng ngày hôm nay “có lẽ trục trặc ngay từ giai đoạn một. Có thể có hai lý do. Nếu phần phóng hỏng, tên lửa sẽ nổ tung, còn nếu do hệ thống dẫn đường, đường đi sẽ bị lệch và kích hoạt cơ chế tự hủy”.

Trong khi đó, Đài Ifeng của Hồng Kông dẫn lời các kỹ thuật viên của Triều Tiên cho biết, sự cố có thể nằm ở hệ thống đẩy và hệ thống định vị. Theo các chuyên gia này, vụ phóng tên lửa thất bại sau khi tầng thứ nhất phân tách không thành công.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, theo chuyên gia James Oberg, sức ép về thời gian cũng là một lý do khiến vụ phóng tên lửa này gặp trở ngại và thất bại khi thực hiện. Thêm vào đó, Triều Tiên đã không thể tiếp cận các công nghệ tên lửa hiện đại do bị cấm vận.

Lương thực cho 19 triệu người

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo nước này cho biết, Triều Tiên đã chi 850 triệu USD cho lần phóng vệ tinh thất bại sáng nay (13/4). Số tiền này đủ để nuôi 19 triệu người Triều Tiên trong một năm.

Theo hãng thông tấn AFP, đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên thất bại trong việc phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh. Hai lần thử năm 1998 và 1999, nước này cũng thất bại dù tuyên bố là đã đưa được vệ tinh lên quỹ đạo thành công.
 
Một quan chức quân đội Hàn Quốc nói rằng, trong vụ phóng tên lửa này, chi phí xây dựng cơ sở phóng có thể tốn 400 triệu USD, trong khi quả tên lửa và lượng chất nổ bên trong tốn lần lượt 300 triệu và 150 triệu USD. Tổng chi phí là 850 triệu USD.

Vị quan chức này cho biết, với số tiền lên tới 850 triệu USD, Triều Tiên có thể dùng để mua được 2,5 triệu tấn ngũ cốc từ Trung Quốc, từ đó nuôi được 19 triệu người dân nước này trong vòng một năm. Dân số Triều Tiên hiện khoảng 24 triệu người.

Chưa hết, theo tờ Telegraph của Anh, Triều Tiên dùng 1,14 tỷ USD thu được từ việc xuất khẩu than trong 2011 là 1,14 tỷ USD chi tiêu cho dự án phóng tên lửa và các chương trình trong đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Kim Nhật Thành.

Cung Kumsusan, nơi đặt thi hài của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, đã được cải tạo và mở rộng. Hàng chục tượng đồng lớn của các cố lãnh đạo được dựng lên ở nhiều nơi trên đất nước Triều Tiên.

Nền kinh tế Triều Tiên được coi là kém phát triển và tình trạng thiếu lương thực vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Theo lời vị quan chức quân đội Hàn Quốc, khoản tiền trên lẽ ra nên được dùng để giải quyết vấn nạn lương thực của Triều Tiên.

Triều Tiên sẽ không ngừng tay

Đánh giá lý do Triều Tiên quyết tâm thực hiện vụ phóng tên lửa, kênh truyền hình CNN của Mỹ đã dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng không cân nhắc các biện pháp trừng phạt bởi nước này không còn nhiều thứ để mất.

Việc phóng tên lửa lần này cũng còn là nhằm góp phần xây dựng một câu chuyện huyền thoại về nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un. Theo nhà phân tích Victor Cha, một phần của huyền thoại này sẽ là khả năng vươn ra ngoài vũ trụ bằng công nghệ nội địa.

Một lý do khác khiến Triều Tiên quyết tâm phóng tên lửa bất chấp phản ứng của thế giới là muốn vượt trước Hàn Quốc trong việc đưa vệ tinh vào vũ trụ thành công. Hàn Quốc đã từng thử đưa vệ tinh vào quỹ đạo nhưng cố gắng này đã gặp thất bại.

Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả, theo hãng tin RIAN của Nga dẫn lời chuyên gia Christian Lardier, chương trình tên lửa của Triều Tiên đã hoạt động trong suốt 20 năm qua và quốc gia này sẽ còn tiếp tục phát triển và phóng tên lửa trong 2 - 3 năm tới.

“Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình tên lửa. Họ sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân thất bại lần này và sẽ phóng tên lửa trong vòng 2-3 năm tới”, chuyên gia công nghệ tên lửa nổi tiếng người Pháp nói với RIAN. - chuyên gia Christian Lardier nói.

Trong khi đó, tại phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc, một quan chức Bộ Quốc phòng nước này nhận định, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ có hành động khiêu khích quân sự nhằm vào Hàn Quốc sau vụ phóng tên lửa tầm xa bất thành sáng 13/4.

”Rất nhiều khả năng sẽ có thêm một vụ phóng tên lửa tầm xa nữa hoặc một vụ thử hạt nhân, cũng như một hành động khiêu khích quân sự nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ”, ông này nói, song cho hay chưa có dấu hiệu cụ thể về vấn đề trên.