06:44 17/06/2010

Vì sao Trung Quốc lại đổ tiền vào Hy Lạp?

Dương Lâm

Việc Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào Hy Lạp, giữa lúc cả thế giới lo lắng Hy Lạp có thể vỡ nợ, đã gây được sự chú ý

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou (bên trái) bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Đức Giang tại Athens hôm 15/6 - Ảnh: Getty.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou (bên trái) bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Đức Giang tại Athens hôm 15/6 - Ảnh: Getty.
Bất chấp Hy Lạp đang rơi vào khủng hoảng nợ nghiêm trọng, Trung Quốc vẫn cam kết tăng cường đầu tư vào quốc gia Nam Âu này.

Hôm 15/6, Bắc Kinh đã ký hiệp ước hợp tác về hàng hải với Athens, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc ký 13 thỏa thuận thương mại trị giá hàng trăm triệu Euro với các công ty Hy Lạp.

Phát biểu tại lễ ký các thỏa thuận trên tại thủ đô Athens, Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Đức Giang khẳng định, Trung Quốc sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước này đến Hy Lạp để hợp tác và đầu tư.

Ông nhấn mạnh, lãnh đạo hai nước mong muốn tăng cường quan hệ và cùng hợp tác đối phó với những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đẩy nền kinh tế Hy Lạp tới nguy cơ vỡ nợ.

Trong số các thỏa thuận được ký kết có 7 hợp đồng liên quan đến tàu biển, còn lại chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực xây dựng khách sạn, viễn thông và thực phẩm.

Giữa lúc cả thế giới đều đang lo lắng Hy Lạp có thể vỡ nợ, khủng hoảng nợ châu Âu có thể sẽ xấu đi, việc Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư vào Hy Lạp, đã gây được sự chú ý của giới nghiên cứu kinh tế.

Một số chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đầu tư vào Hy Lạp thể hiện lòng tin của Trung Quốc trước việc Hy Lạp và châu Âu đang tìm cách vượt qua khủng hoảng nợ.

Thực tế cho thấy, hôm 15/6, một ngày sau khi Moody’s hạ bậc tín dụng của Hy Lạp, nhiều quan chức khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đã lên tiếng bảo vệ quốc gia này và cho rằng quyết định của Moody’s là không phù hợp.
 
Trước đó, hôm 14/6, cơ quan đánh giá tín dụng Moody's đã hạ thang điểm đánh giá đối với Hy Lạp từ A3 xuống Ba1. Chỉ số đánh giá Ba1 là mức xếp hạng đối với tình trạng tài chính ở mức báo động và thể hiện mối lo ngại việc Hy Lạp khó có khả năng thanh toán nợ.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu Olli Rehn cho rằng, quyết định của hãng Moody's là "đáng ngạc nhiên và hoàn toàn không thích hợp".

Ông cũng cho rằng, việc này càng làm dấy lên những hoài nghi về vai trò của các cơ quan đánh giá tín dụng trong hệ thống tài chính.

Ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng bộ tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu, gọi việc đánh giá của Moody's là "vô lý," đặc biệt trong bối cảnh Hy Lạp đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trên thị trường, giới đầu tư cũng tỏ ra nghi ngờ đánh giá của Moody's đối với Hy Lạp và điều này khiến đồng Euro chiều 15/6 đã tăng giá trở lại, với 1 Euro đổi được 1,23 USD.

Tuy nhiên, có nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc cấp thiết cần ra tay viện trợ cho châu Âu là nhằm mục đích ngăn chặn số tài sản Euro khổng lồ, tương đương 670 tỷ USD, mà nước này đang sở hữu tiếp tục mất giá.

Theo ông John Markin, chuyên gia kinh tế tại Viện Mghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, số tiền mà Trung Quốc đầu tư cho Hy Lạp là không đáng kể, nhưng điều quan trọng là, Trung Quốc đang lên kế hoạch nhằm ngăn chặn đồng Euro sụt giảm.

Ông Markin cho rằng, đồng Euro sụt giảm đã khiến một lượng lớn dự trữ ngoại tệ bằng đồng Euro mà Trung Quốc nắm giữ bị mất giá và cũng đã làm suy yếu đi viễn cảnh xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu.