VIC bị xả ròng ngàn tỷ, trụ vẫn chốt giữ chỉ số thành công
Cho đến phút chót của đợt ATC, lượng xả tại VIC vẫn đè giá giảm cực mạnh. VN-Index chỉ trên tham chiếu hơn 1 điểm lúc cuối đợt liên tục và rất ít hi vọng chỉ số có thể cưỡng lại được sức ép của VIC. Nhưng hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, điều gì cũng có thể xảy ra...
Cho đến phút chót của đợt ATC, lượng xả tại VIC vẫn đè giá giảm cực mạnh. VN-Index chỉ trên tham chiếu hơn 1 điểm lúc cuối đợt liên tục và rất ít hi vọng chỉ số có thể cưỡng lại được sức ép của VIC. Nhưng hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, điều gì cũng có thể xảy ra...
VIC đóng cửa sập hẳn xuống 87.800 đồng, giảm 3,94% so với tham chiếu. Riêng đợt ATC giá VIC bốc hơi 1.100 đồng nữa so với cuối đợt khớp lệnh liên tục. Tổng khối lượng giao dịch ATC đạt 1,185 triệu cổ phiếu, phần lớn do khối ngoại xả.
Cuối phiên sáng VIC đã bị bán ròng 644 tỷ đồng, chiều nay khối ngoại rút tiếp 500 tỷ đồng nữa. VIC bị bán ròng tổng cộng 1.144 tỷ đồng và lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản với 15,13 triệu cổ tương đương 1.338,5 tỷ đồng. VIC cũng chính thức đóng cửa thấp nhất 6 tháng và về sát đáy cuối tháng 1/2021.
VHM cũng chịu sức ép khá mạnh trong đợt ATC. Giá đang từ 80.600 đồng bị đánh sập xuống 80.100 đồng, khối lượng giao dịch 643.300 đơn vị. VHM giảm giá 2,2%, cũng đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 19/7 vừa qua.
Trong thời gian dồn lệnh ATC, cả VIC lẫn VHM hầu như không có sự gia tăng dư mua nhìn thấy được và gần như chắc chắn giá sẽ giảm mạnh thêm. Vì thế việc chỉ số VN-Index có nguy cơ giảm là gần như có thể đoán được. Khoảng cách hơn 1 điểm so với tham chiếu không có gì “khó khăn” với mức giảm của VHM và VIC.
Điều bất ngờ là hoạt động “tiêm lệnh” mua xuất hiện ở đồng loạt nhiều cổ phiếu. VN-Index chốt phiên chỉ hạ độ cao 1 điểm, vẫn giữ được màu xanh trên tham chiếu dù mức tăng không thể nhỏ hơn được nữa, với 0,04 điểm.
Sức nặng giảm giá của VIC và VHM dĩ nhiên chỉ có thể được cân bằng lại từ nhiều cổ phiếu khác. VCB được kéo lên cao thêm 1 bước giá, đóng cửa tăng 1,03%; GAS được kéo thêm 2 bước giá, tăng 1,2%; VNM được kéo bật lên qua tham chiếu 0,35%; TCB bật tăng 1,45%; MBB tăng 1,28%; VPB tăng 1,72%, VRE tăng 5,08% ...Tất cả các cổ phiếu này đều thay đổi giá rất tích cực ở những giây cuối cùng.
Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh kỳ hạn tháng 9 và chỉ số VN30 quan trọng hơn VN-Index. Thực tế là VIC giảm, VHM giảm thậm chí còn không ảnh hưởng được tới VN30-Index. Chỉ số này được các mã khác kéo tăng cao thêm trong đợt ATC khoảng 1,3 điểm, thay vì tụt xuống như VN-Index.
Độ rông cuối ngày tại nhóm VN30 rất tốt với 20 mã tăng/7 mã giảm, độ rộng cung của VN-Index là 212 mã tăng/187 mã giảm. Như vậy thị trường vẫn có một phiên giao dịch tích cực ở cổ phiếu, dù chỉ số có chao đảo không rõ ràng. Tuy vậy cũng giống như những phiên đáo hạn trước đây, biến động kéo giá nhiều blue-chips chỉ mang tính thời điểm.
Điều bất ngờ là thanh khoản chiều nay cực thấp, hai sàn chỉ khớp thêm 7.991 tỷ đồng, giảm 33% so với phiên sáng. Rổ VN30 buổi chiều thậm chí chỉ giao dịch được 2.915 tỷ đồng, trong đó 3 mã VIC, VHM và HPG chiếm tới 40%. Giao dịch yếu khiến cả phiên HoSe khớp lệnh chỉ còn 16.765 tỷ đồng, thấp nhất 13 phiên.
Giao dịch bán ròng ngàn tỷ tại VIC khiến phiên hôm nay là ngày rút vốn ròng sốc nhất 18 phiên của khối ngoại. Tổng giá trị bán ròng lên tới 1.326 tỷ đồng chỉ riêng HoSE. Phiên bán ròng trên ngàn tỷ đồng gần nhất là hôm 18/8 vừa qua. Ngoài VIC, khối ngoại còn bán ròng lớn DGW, DGC, VNM, DPM, HSG, BCM, SSI, NVL, VHM...