01:26 06/06/2008

Việt Nam chiếm vị trí số 1 về thị trường bán lẻ hấp dẫn

Văn Thành

Vượt qua Ấn Độ, Việt Nam trở thành thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước đang nổi lên

Theo A.T. Kearney, "sự thiếu vắng cạnh tranh" là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo A.T. Kearney, "sự thiếu vắng cạnh tranh" là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Vượt qua Ấn Độ, Việt Nam trở thành thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước đang nổi lên.

Đây là bước đột phá, theo bình luận của một số hãng tin quốc tế, thu hút sự chú ý của giới đầu tư trên thế giới, đặc biệt là với các tập đoàn bán lẻ đang có kế hoạch mở rộng thị trường.

Vượt qua Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, Việt Nam đã “nhảy” ba bậc để vươn lên chiếm vị trí số 1 trong danh sách mà A.T. Kearney, hãng tư vấn quản lý hàng đầu thế giới, vừa công bố.

Trước đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước đang nổi lên.

Việc soán ngôi của Ấn Độ trong bảng danh sách mới này được một số hãng tin quốc tế bình luận là rất ấn tượng, bởi Ấn Độ từng là quốc gia ba năm liên tiếp đứng đầu danh sách Chỉ số Phát triển bán lẻ toàn cầu. Ấn Độ cũng là chủ sở hữu của một thị trường bán lẻ có quy mô tới 510 tỷ USD.

Theo lý giải của A.T. Kearney, việc Ấn Độ mất vị trí số 1 về Việt Nam là do những quy định cứng nhắc, giá bất động sản cao và các tập đoàn bán lẻ địa phương rất cạnh tranh...

“'Trong khi thị trường bán lẻ 20 tỷ USD của Việt Nam là rất nhỏ so với Ấn Độ và Trung Quốc, sự thiếu vắng cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng GDP 8% khiến đây là cơ hội mở rộng thị trường hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ toàn cầu”, A.T. Kearney lý giải thêm.

Hãng này cũng đưa ra một số thống kê cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang có nhiều lợi thể, khi người tiêu dùng tại đây thuộc hàng trẻ nhất ở châu Á với 79 triệu người, ở tuổi dưới 65 và mức tiêu thụ đã tăng 75% trong giai đoạn từ năm 2000 - 2007.

Trong năm 2007, người Việt Nam đã chi gần 45 tỷ USD cho mua sắm và tiêu dùng. Trong khi đó 5 nhà bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam hiện chỉ có dưới 3% thị phần.

“Người tiêu dùng Việt Nam đang chứng kiến thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh chóng và các quy định đang theo hướng mở cửa thị trường cho các hãng mới”, ông Mike Moriarty, một trong những chuyên gia xây dựng danh sách và báo cáo liên quan của A.T. Kearney nói.

Chuyên gia này cũng đưa ra thông điệp đối với các nhà đầu tư bán lẻ trên thế giới, rằng, với Việt Nam, “bây giờ là lúc thích hợp hơn bao giờ hết để tham gia”. Thông điệp từ A.T. Kearney cũng nhận định rằng đây là thời điểm thích hợp để có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam.

Trong top 10 của danh sách nói trên, sau vị trí số 1 của Việt Nam là Ấn Độ, Nga và Trung Quốc; kế đến là Ai Cập, Morocco, Ả-rập Saudi, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong số các nước khối ASEAN có mặt trong danh sách, Malaysia đứng thứ 13, Indonesia đứng thứ 15, Thái Lan ở vị trí 24 và Philippines là 26.

*Cũng theo danh sách A.T Kearney công bố trước đó, năm 2007, Việt Nam đã mất vị trí thứ ba bởi Trung Quốc và trở thành thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn thứ tư trong các thị trường mới nổi.