09:12 08/03/2023

Việt Nam có Câu lạc bộ phát triển, ứng dụng Blockchain bền vững

Đây sẽ là nơi chia sẻ những tri thức về Blockchain, xây dựng cộng đồng phát triển Blockchain bền vững, thúc đẩy đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ này trong các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) chiều ngày 7/3 đã công bố thành lập Câu lạc bộ phát triển Blockchain bền vững, thuộc Ủy ban đầu đầu tư và phát triển startup.

Chia sẻ về lý do lập câu lạc bộ này, đại diện Vinasa cho rằng, trong những năm gần đây, công nghệ Blockchain phát triển rất nóng. Hiện nay, Blockchain là một trong những công nghệ được thu hút sự quan tâm lớn của người dùng. Với việc ra đời câu lạc bộ, Vinasa sẽ hướng tới thúc đẩy phát triển các ứng dụng Blockchain, phát triển theo hướng bền vững.

Theo ông Phan Minh Đạt, Phó chủ tịch Câu lạc bộ, Giám đốc Trung tâm quản lý tài sản số TSS, Blockchain là công nghệ tiềm năng ở hiện tại cũng như trong tương lai. Câu lạc bộ này sẽ tập hợp các doanh nghiệp, các tổ chức trong ngành để thúc đẩy phát triển Blockchain bền vững.

 
Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã sớm nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain đang được triển khai áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục, nông nghiệp….

Do công nghệ Blockchain vẫn còn khá mới với đa số người nên một trong những mục tiêu hướng tới của câu lạc bộ sẽ đào tạo phổ cập kiến thức; ứng dụng hữu ích trong thực tế cuộc sống. Cùng với đó sẽ tập hợp lực lượng nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong các cơ quan, các ngành, lĩnh vực.

Lãnh đạo câu lạc bộ là đại diện những doanh nghiệp, chuyên gia có nhiều hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng Blockchain ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group, Chủ tịch Liên minh NFT; Phó chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) làm Chủ tịch Câu lạc bộ.

Câu lạc bộ có sự tham gia của nhiều thành viên là các doanh nghiệp Blockchain, các trường, viện, các tổ chức hỗ trợ, cộng đồng các các doanh nghiệp ứng dụng Blockchain.

Ông Đạt cho biết, đỊnh hướng câu lạc bộ sẽ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, kết nối thị trường, mở cơ hội mới cho các thành viên. Cùng với đó sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, phát triển đào tạo, nhằm cung cấp nhân sự công nghệ tương lai cho ngành và giúp cộng đồng phát triển bền vững hơn.

Câu lạc bộ cũng là cầu nối hợp tác với các bộ ngành, các quỹ đầu tư với các dự án, doanh nghiệp ứng dụng với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp. Hợp tác liên kết, nghiên cứu phát triển hệ sinh thái sản phẩm Blockchain trong các ngành nông nghiệp, giáo dục…

Trong năm 2023, câu lạc bộ sẽ kết hợp với các viện, trường để nghiên cứu, nâng cao giáp trình Blockachain, xây dựng chương trình đào tạo, một bộ giáo trình chuẩn đào tạo giảng dạy trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới sẽ tổ chức các chương trình về tài sản số, an ninh bảo mật trên Blokchain. Bên cạnh đó sẽ xây dựng kênh, cộng đồng chia sẻ và phổ biến các kiến thức cơ bản, kết nối doanh nghiệp cung cấp ứng dụng và doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng Blockchain.

Công nghệ Blockchain được xem là "chìa khóa" cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0. Những năm gần đây, Blockchain đã trở thành công nghệ tiên phong và ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Thị trường Blockchain dự báo sẽ tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới và dự báo sẽ tăng lên 163,83 tỷ USD năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3%. Năm 2022, thị trường Blockchain toàn cầu được định giá 7,18 tỷ USD.

Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã sớm nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain đang được triển khai áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục, nông nghiệp….

Tại Việt Nam, công nghệ Blockchain được ứng dụng chủ yếu trong các lĩnh vực: dịch vụ tài chính (hơn 83%), chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ công cộng (30%), năng lượng (30%), giáo dục (30%),...