07:03 28/10/2022

“Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online”

Với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, và Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online…

Tọa đàm tại lễ khai mạc “Amazon Week 2022: Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới".
Tọa đàm tại lễ khai mạc “Amazon Week 2022: Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới".

Quan điểm được ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nêu tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới (Amazon Week 2022) diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội. Với chủ đề “Dám mơ lớn”, sự kiện năm nay hướng tới việc kết nối doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp cả nước, không phân biệt quy mô hay ngành hàng kinh doanh, đến với thị trường quốc tế, đồng thời khai phá tiềm năng của Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong, cho biết dù nền kinh tế toàn cầu hồi phục chưa đồng đều hậu đại dịch Covid-19, thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép của Thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 28.4% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2027. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam cũng được dự kiến sẽ tăng hơn 20% mỗi năm.

Đặc biệt, trong vòng 12 tháng (từ 1/9/2021- 31/8/2022) các đối tác bán hàng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên Amazon: gần 10 triệu sản phẩm “made in Vietnam” được bán ra cho khách hàng Amazon trên toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon mở ra một động lực kinh tế với tiềm năng mạnh mẽ và rõ nét cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, bất chấp những thách thức lớn từ đại dịch và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái; hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA), số lượng tăng hơn 90%, doanh thu bán hàng qua FBA cũng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo thống kê của Amazone, top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon bao gồm: dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân, tiện ích gia đình.

“Amazon Global Selling tiếp tục nỗ lực và cam kết cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ và linh hoạt cho các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng nguồn lực toàn cầu của Amazon và thành công kinh doanh, góp phần hình thành động lực kinh tế tích cực cho đất nước trong kỷ nguyên mới”, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong nói, đồng thời cho biết Amazon sẽ đề ra chiến lược 2023 để đồng hành cùng các nhà sản xuất, các thương hiệu, doanh nhân Việt Nam trên mọi giai đoạn của hành trình xuất khẩu, cùng tạo ra một nền kinh tế Thương mại điện tử xuyên biên giới có tác động sâu rộng & phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục Trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), chia sẻ: “Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi hướng tới nâng cao năng lực quản lý các hoạt động thương mại điện tử cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử.

Trong hành trình hỗ trợ xúc tiến đưa hàng Việt vươn ra thế giới, năm 2022, chúng tôi đã cùng Amazon Global Selling Việt Nam triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ Nguyên bứt phá" nhằm nhanh chóng chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thu hẹp khoảng cách về năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 5 năm”.

Bà Việt Anh cũng cho biết thời gian tới đây, IDEA sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Amazon để mở đường cho nhiều hơn các doanh nghiệp và sản phẩm từ Việt Nam gia nhập sân chơi toàn cầu.

 

Amazon Global Selling Việt Nam công bố 5 trọng tâm chiến lược 2023 để tạo sức bật cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu online:

1. Nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam thông qua tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ và tăng cường đào tạo cho doanh nghiệp trong nước để thành công khi tiến vào thị thương mại điện tử xuyên biên giới.

2. Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm Made-in-Vietnam: Khuyến khích các nhà sản xuất và các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam chung tay cùng Amazon để xây dựng thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm Việt và tạo dấu ấn trên bản đồ quốc tế. Bảo vệ thương hiệu bằng chương trình Đăng ký thương hiệu (Amazon Brand Registry), xây dựng và phát triển thương hiệu bằng loạt công cụ và sản phẩm quảng cáo và branding trên Amazon.

3. Hỗ trợ đối tác bán hàng vươn ra toàn cầu với giải pháp hậu cần tiên tiến, trong đó:

Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) tiếp tục là dịch vụ chủ chốt để hỗ trợ đối tác bán hàng vươn ra thị trường toàn cầu với mạng lưới hậu cầu quốc tế. FBA cho phép các đối tác bán hàng tiết kiệm thời gian để tập trung vào việc vận hành kinh doanh khi Amazon sẽ phụ trách nhận hàng, đóng gói, vận chuyển đơn hàng, chăm sóc khách hàng và quản lý đổi trả hàng hoá.

Dịch vụ kho bãi và phân phối của Amazon (Amazon Warehousing & Distribution) giúp các đối tác bán hàng cắt giảm tối đa chi phí đầu tư cho việc lưu trữ và phân phối hàng hoá.

Amazon Global Selling Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác với các đơn vị vận chuyển uy tín đồng thời tích cực giới thiệu tới đối tác bán hàng các giải pháp hậu cần mới bằng cả đường biển và đường hàng không.

4. Nâng cao trải nghiệm của đối tác bán hàng trong suốt các giai đoạn khác nhau. Giảm thiểu thời gian đăng ký, bản địa hóa & tối ưu quy trình xác minh tài khoản, hỗ trợ nhà bán hàng với nhiều nội dung đào tạo bằng tiếng Việt và mở rộng kênh liên lạc bằng tiếng Việt.

5. Đóng góp vào sự phát triển bền vững và tích cực của cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam với nhiều hơn các hoạt động, chương trình kết nối giữa nhà bán hàng và nhà sản xuất để cùng tạo ra những cách thức thúc đẩy thành công cho doanh nghiệp địa phương.