Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong quý đầu năm
Đây được cho là kết quả của các chiến dịch quảng bá của các bộ ban ngành, chính sách nới lỏng visa với các thị trường tiềm năng và Việt Nam là điểm đến giá rẻ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái...

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/4, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 đạt hơn 2,05 triệu lượt; tăng gần 29% so với cùng kỳ 2024. Tính chung quý 1/2025, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay tính theo quý.
Trong đó, lượng khách đến bằng đường hàng không vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 5,2 triệu lượt trong ba tháng, tiếp đến là khách vào bằng đường bộ với gần 700.000 lượt. Số còn lại là khách đến bằng đường thủy, hơn 133.000 lượt.
Tính chung trong ba tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với gần 1,6 triệu lượt. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 1,3 triệu lượt, tiếp đến là những thị trường "quen thuộc" như Đài Loan, Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Mỹ, Australia. Khách Nga, Campuchia, Philippines và Trung Quốc được xem là động lực tăng trưởng của quý 1 khi có mức tăng cao nhất, lần lượt bằng 210%, 205%, 195% và 178%.

Động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường lớn Trung Quốc với mức tăng 78,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó các thị trường chính khác tăng tích cực: Hàn Quốc (+2,2%), Đài Loan (+10,2%), Mỹ (+11,3%), Nhật Bản (+26,3%), Úc (11,0%), Ấn Độ (23,3%).
Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Campuchia (+105,6%), Philippines (+95,1%), Lào (+52,7%), Indonesia (+6,9%), Thái Lan (+4,7%).
Các thị trường ở châu Âu tiếp tục tăng trưởng hai con số, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực như: Anh (+23,5%), Pháp (+28,3%), Đức (+23,3%), Ý (+29,0%), Tây Ban Nha (+17,5%), Đan Mạch (+17,6%), Thụy Điển (+18,7%), Na Uy (+16,0%). Đặc biệt thị trường Nga tăng mạnh (+110,5%).
Bên cạnh đó, thị trường Ba Lan và Thụy Sỹ cũng ghi nhận gia tăng lượng khách, tăng lần lượt 52,9% và 14,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là hiệu quả đến từ việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về việc miễn visa ngắn hạn cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ từ 1/3/2025 đến 31/12/2025 theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút nhiều hơn lượng khách từ 3 thị trường châu Âu này trong năm 2025.
Cũng theo Cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành quý 1/2025 ước đạt 21.500 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng mức và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2025 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sau: Hà Nội tăng 23,5%; Đà Nẵng tăng 22,1%; Quảng Ninh tăng 20,9%; Bình Dương tăng 19,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,1%; Hải Phòng tăng 9,1%...

Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa tăng cao trong thời gian qua cho thấy những chủ trương, chính sách kích cầu du lịch đã phát huy hiệu quả. Đó là cơ sở, là động lực để ngành du lịch hiện thực hóa mục tiêu đón khoảng 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa trong năm nay.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, việc mở rộng danh sách miễn thị thực và kéo dài thời gian tạm trú là bước đi chiến lược, mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch và nền kinh tế. "Việc miễn thị thực giúp giảm bớt “rào cản” nhập cảnh, đặc biệt hấp dẫn đối với những thị trường có mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài, như các quốc gia châu Âu.
Việc kéo dài thời gian tạm trú cho phép du khách có thêm thời gian khám phá và trải nghiệm, dẫn đến tăng chi tiêu trong suốt hành trình. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành du lịch mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan như khách sạn, nhà hàng và dịch vụ giải trí," ông Hiếu nói.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2025, liên tiếp các tàu biển hạng sang đã cập cảng Việt Nam mang theo hàng chục nghìn du khách quốc tế. Đáng chú ý, tại Quảng Ninh, dòng khách tàu biển đã đưa đến địa phương này hơn 26.000 du khách quốc tế từ nhiều thị trường Âu Mỹ, châu Đại Dương, Đông Bắc Á.
Dự kiến, trong năm nay, Quảng Ninh sẽ đón khoảng 70 chuyến tàu biển, với gần 90.000 lượt khách du lịch quốc tế. Trong khi đó, từ đầu năm 2025 đến nay, Khánh Hòa đã đón 8 chuyến tàu biển quốc tế với khoảng 13.500 du khách lên bờ tham quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang diễn ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt về chính sách visa và chương trình du lịch, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ để không bỏ lỡ cơ hội “vàng”, hiện thực hóa mục tiêu đạt doanh thu triệu tỷ đồng trong năm 2025 và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên của cả nước.
Báo cáo nghiên cứu của những đơn vị khảo sát du lịch trong và ngoài nước vừa công bố cho thấy, Việt Nam có nhiều địa phương hấp dẫn du khách quốc tế, là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất. Theo cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, Việt Nam cần nhân cơ hội này để tăng cường xúc tiến, quảng bá tại những thị trường tiềm năng và mới nổi.
Những địa phương xác định du lịch là ngành mũi nhọn cần có chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ tại hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú…
Chất lượng dịch vụ và nhân lực ngành du lịch cũng cần được nâng tầm. Đội ngũ nhân viên trong ngành phải được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ, thông thạo tiếng nói của khách đến, từ đó có tác phong chuyên nghiệp để phục vụ du khách quốc tế với tiêu chuẩn cao hơn.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào du lịch là bước đi tất yếu. Việt Nam cần phát triển các ứng dụng du lịch thông minh, tích hợp thông tin, dịch vụ đặt phòng, phương tiện đi lại, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng và tiện lợi. Số hóa các điểm đến, áp dụng thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm du khách cũng là điều các quốc gia phát triển đã và đang thực hiện.

Việt Nam đang có cơ hội lớn để vươn mình trên bản đồ du lịch thế giới. Chính sách thị thực thông thoáng và hợp lý hơn, hạ tầng được nâng cấp, sản phẩm và dịch vụ du lịch đổi mới… chỉ khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố này thì Việt Nam mới có thể thu hút du khách quốc tế nhiều hơn, tạo động lực để họ quay trở lại và thoát khỏi cái “mác” điểm du lịch giá rẻ.