10:04 12/03/2009

Việt Nam hấp dẫn FDI hơn Thái Lan

Linh San

63% lãnh đạo cao cấp các công ty được hỏi tin rằng Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn Thái Lan

Kể từ năm 2006 Việt Nam đã nổi lên như là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư châu Á với mức thu hút FDI trong năm 2007 là 20 tỷ USD và năm 2008 là hơn 60 tỷ USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Kể từ năm 2006 Việt Nam đã nổi lên như là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư châu Á với mức thu hút FDI trong năm 2007 là 20 tỷ USD và năm 2008 là hơn 60 tỷ USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo nghiên cứu mới nhất của KAE - công ty tư vấn marketing chiến lược có trụ sở tại London, Singapore, Thượng Hải và Washington DC, hầu hết lãnh đạo cao cấp của các công ty nước ngoài cho rằng bất chấp bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam vẫn có nhiều hấp dẫn về đầu tư hơn Thái Lan.

KAE châu Á đã tiến hành một cuộc khảo sát với các lãnh đạo cao cấp từ các công ty “blue-chip” tại Việt Nam và Thái Lan, đánh giá về môi trường đầu tư trong tình hình hiện tại.

Theo kết quả khảo sát, 63% lãnh đạo cao cấp các công ty được hỏi tin rằng Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn Thái Lan; 21% lựa chọn Thái Lan là điểm đầu tư ưa thích, còn lại 15% cho rằng cả hai nước đều mang lại cơ hội đầu tư như nhau.

Ông Damien Duhamel, Giám đốc điều hành KAE Asia cho biết: “Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP ấn tượng ở mức trung bình hơn 7% trong suốt hai thập kỷ qua.

Rõ ràng là triển vọng kinh tế và chính trị về mặt ngắn hạn và dài hạn (của Việt Nam) tốt hơn Thái Lan. Nghiên cứu này của chúng tôi chỉ ra rằng, lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á”.

Mặc dù mức độ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm 80 và 90 tương đối thấp, nhưng kể từ năm 2006 Việt Nam đã nổi lên như là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư châu Á với mức thu hút FDI trong năm 2007 là 20 tỷ USD và năm 2008 là hơn 60 tỷ USD.

“Với một nền kinh tế đang dần dần tự do hóa và có một vị trí địa lý chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn”, ông Duhamel nói.

Ông cũng cho biết, tỷ lệ GDP trên đầu người ở Việt Nam thấp hơn 4 lần so với Thái Lan và 2 lần so với Trung Quốc, nên Việt Nam là một ứng cử lớn cho việc tăng tốc độ tiêu dùng.

Ông Seck Yee Chung, đại diện Công ty luật Baker & McKenzie cho biết: “Bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có rất nhiều cơ hội đầu tư tại đây và nền kinh tế sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2009.

Mặc dù khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ tác động đến FDI trong vòng 18 tháng tới, nhưng tôi cho rằng tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ đạt mức cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn những yếu tố rủi ro.

“Giữa năm 2008, nền kinh tế Việt Nam quá nóng với chỉ số giá cả và CPI tăng vọt khoảng 25%. Thêm vào đó là những khó khăn trong việc quản lý và tài chính tạo ra những thách thức. Nhưng với những công ty đã chuẩn bị sẵn sàng tìm kiếm những cơ hội lâu dài thì những khó khăn đó chỉ là ngắn hạn”, ông Duhamel nói.

Nhưng “bất chấp những khó khăn hiện tại và sự suy giảm của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn sẽ đứng vững. Theo những số liệu trong một số ngành được quan tâm, một vài nước trên thế giới có thể hy vọng đạt mức tăng trưởng trong ngành công nghiệp ôtô là 10%, 20% trong ngành thiết bị y tế và khoảng 40% trong ngành thương mại điện tử. Và Việt Nam là một trong những nước đó”, ông Duhamel dự báo.