09:51 18/09/2007

Việt Nam hậu WTO: Chưa có “phép màu” nhưng vẫn mạnh mẽ

Thùy Trang

ADB dự báo Việt Nam sẽ có tỉ lệ tăng trưởng GDP rất ấn tượng, dự kiến ở mức 8,3% năm 2007 và 8,5% năm 2008

Đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ là những động lực chính của phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ là những động lực chính của phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Chưa có “phép màu” nào đến với Việt Nam sau 8 tháng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặc dù vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn đưa ra những dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam sẽ có tỉ lệ tăng trưởng GDP rất ấn tượng, dự kiến ở mức 8,3% năm 2007 và 8,5% năm 2008; tỷ lệ lạm phát tương đối cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, duy trì ở mức 7,8% năm 2007 và giảm đến 6,8% năm 2008.

Theo báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2007” vừa được ADB công bố ngày 17/9 thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu từ ngành công nghiệp và dịch vụ và sự năng động của khu vực tư nhân được ghi nhận với mức tăng 20,5%, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp Nhà nước.

Đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng tăng

Báo cáo của ADB chỉ ra rằng trong số các tiểu ngành, ngành sản xuất tăng mạnh 12,4% nhưng khai thác mỏ lại có mức tăng trưởng rất nhỏ vì có sự sụt giảm 7,4% trong khai thác dầu thô do sản lượng khai thác tại mỏ dầu Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, giảm sút. Về dịch vụ, thương mại và tài chính tăng 10,4% và khách sạn và nhà hàng do được lợi từ sự tăng mạnh tiêu dùng và du lịch, đã tăng 12,7%.

Về phía cung, đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ là những động lực chính của phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đầu tư tăng 14% trong nửa đầu năm, do được khích lệ bởi việc Việt Nam gia nhập WTO và bởi những cải thiện trong môi trường kinh doanh.

Theo ông Omar Shrestha, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, phần lớn tăng trưởng đầu tư là từ khu vực tư nhân trong nước với phần đóng góp trong đầu tư tổng thể đã tăng lên khoảng 35% trong nửa đầu năm 2007, so với mức tăng 23% trong 6 năm.

ADB đưa ra nhận định: đầu tư mạnh mẽ đã dẫn đến mức tăng nhanh chóng 30,4% về nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu 2007, và nhập khẩu hàng hóa máy móc thiết bị tăng 46,5%. nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian cũng gia tăng mạnh mẽ. Về xuất khẩu, sau khi gia nhập WTO, hàng dệt may và quần áo tăng 25,9% trong nửa đầu năm, sau khi hủy bỏ hạn ngạch, và xuất khẩu đồ gỗ cũng tăng 23%.

Cán cân thanh toán thặng dư

Với giả định việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tiếp tục hội nhập nền kinh tế đất nước vào các mạng lưới kinh doanh toàn cầu, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và giúp duy trì động lực cho cải cách trong nước, các chuyên gia của ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng đến 8,5% năm 2008.

Do có sự tăng trưởng mạnh của hai trong số các tiểu ngành là sản xuất và xây dựng, công nghiệp dự kiến tăng 10,6% năm 2008. Dịch vụ, được khích lệ bởi tiêu dùng và du lịch cũng như việc mở cửa dần dần của một số khu vực cho sự tham gia của nước ngoài, dự kiến sẽ tăng 8,6% vào năm sau. Lợi ích về mậu dịch có từ việc gia nhập WTO dự kiến sẽ giữ mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh trong năm 2008 ở mức 22%.

Trả lời cho câu hỏi “Việt Nam phát triển ra sao sau khi vào WTO?”, chuyên gia kinh tế của ADB khẳng định rằng cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đang thặng dư. Tuy nhiên, xét trên từng cấu thành cán cân tổng thể bao gồm tài khoản vãng lai và tải khoản vốn lại có sự ngược chiều.

Tài khoản vãng lai (thương mại, kiều hối...) thâm hụt nhẹ do xuất khẩu các mặt hàng ngoài dầu có mức tăng trưởng liên tục nhưng có vấn đề trong xuất khẩu hải sản vì bị ảnh hưởng bởi mối quan ngại về việc nhiễm bệnh; nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa giảm 10%; nhập khẩu tăng rất nhanh với mức tăng mạnh về nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu 2007.

Song lượng kiều hối chuyển về và các khoản thu từ du lịch vẫn lớn nên thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến trong năm 2007 không lớn khoảng 4,7%.

Trong khi đó, cán cân tài khoản vốn lại thặng dư do dòng FDI vào Việt Nam tăng mạnh, dòng vốn ODA vẫn tăng và danh mục đầu tư tăng đột ngột. Chính vì thặng dư ở tài khoản vốn lớn hơn nhiều so với thâm hụt ở tài khoản vãng lai nên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư.

Tuy nhiên, do thặng dư cán cân thanh toán tổng thể này nên Chính phủ Việt Nam đã tăng tích luỹ và dự trữ ngoại tệ chính thức. Từ tháng 1 đến tháng 7/2007, Ngân hàng Nhà nước đã tích luỹ thêm dự trữ ngoại tệ 7 tỉ USD.

Lạm phát cao nhưng chưa đến mức báo động

Một vấn đề quan ngại lớn đang thu hút nhiều cuộc thảo luận trong những tháng gần đây là mức lạm phát của Việt Nam đang tăng lên 7,3% (tháng 8/2007). Theo dự báo của ADB, dự kiến sẽ duy trì ở 7,8% năm 2007.

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao của Việt Nam, theo ADB, cần căn cứ vào rổ hàng hoá tính CPI trong đó thực phẩm là nhân tố chính đóng góp vào mức tăng CPI, chiếm 42,8% trong rổ tính CPI. Đáng chú ý, mức tăng giá lương thực, thực phẩm của Việt Nam không ổn định và cao hơn các nước khác. Giá các mặt hàng ngoài thực phẩm: cước vận chuyển và viễn thông đã giảm trong khi giá nhà ở và vật liệu xây dựng lại tăng lên.

Theo ADB, có 3 nhân tố cơ sở để lý giải cho tình trạng lạm phát gia tăng ở Việt Nam. Thứ nhất là hiệu ứng từ phía cầu. Tiêu dùng tăng mạnh do chuyển tiền kiều hối tăng, tăng lương, đặc biệt là cho lao động có tay nghề.

Theo nghiên cứu của Jetro, mức tăng lương của lao động có tay nghề ở Việt Nam là 40% trong khi khu vực là 17%. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 23% nửa đầu 2007. Xây dựng cũng tăng do tăng đầu tư vào nhà ở.

Nhân tố thứ hai là hiệu ứng từ phía cung do cú sốc về cung khi cúm gia cầm và các bệnh của lợn làm giá thực phẩm tăng lên. Trong những nền kinh tế chuyển đổi thì những thay đổi về tỉ lệ lạm phát phụ thuộc vào tự do hoá giá cả. Giá điện, than, nhiên liệu của Việt Nam đều tăng lần lượt là 7%, 29% và 7,8%.

Tuy nhiên, mức tăng này là một lần, không phải liên tục. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thế giới nên giá cả của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của thị trường thế giới, nhất là khi nền sản xuất của Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu đầu vào.

Nhân tố thứ ba là hiệu ứng tiền tệ. Tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam tăng lên do FDI, chuyển tiền kiều hối và đầu tư gián tiếp tăng. Lạm phát cũng tăng cao còn do kém hiệu quả trong hệ thống phân phối.

Mặc dù lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức cao nhưng Chính phủ đã áp dụng chính sách tiền tệ và thuế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng phát hành trái phiếu để hạn chế mức tăng quá mức tổng phương tiện thanh toán; tăng dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% đối với tiền gửi ngắn hạn và giảm thuế quan.