02:47 18/09/2010

Việt Nam hoàn thành trước hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ

Anh Quân

Cách thức thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đang đi đúng hướng

“Ấn tượng” và “trước hạn” là những từ ngữ được ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam sử dụng, khi đánh giá về 2/3 chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) của Việt Nam, tại buổi họp báo công bố báo cáo này ngày 17/9.

“Việt Nam đã đạt thành công trong công cuộc giảm nghèo, gần đạt mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm tử vong trẻ em, tiến bộ nhiều trong bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ”, ông tóm lược lại một số mục tiêu ấn tượng của Việt Nam.

Những kết quả trên đạt được trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vừa qua đi, cho thấy cách thức thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đang đi đúng hướng. “Các mục tiêu MDG được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện Việt Nam và được lồng ghép vào các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết.

Trong 10 năm qua, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân thời kỳ 2001-2010 đạt 7,2%; GDP bình quân đầu người năm 2010 ước tính khoảng 1.200 USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2000. “Với mức này, Việt Nam chuyển từ vị trí nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp”, ông Sinh nhấn mạnh.

Với tốc độ phát triển kinh tế cao, trong 2 thập kỷ vừa qua, tỷ lệ nghèo của Việt Nam liên tục giảm từ 58,1% vào năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008. Bình quân mỗi năm giảm được khoảng 1,8 triệu người nghèo, từ mức hơn 40 triệu người xuống 12,5 triệu người; tỷ lệ người đói theo chuẩn nghèo lương thực thực phẩm cũng giảm từ 24,9% xuống mức 6,9% trong cùng giai đoạn này.

Riêng với mục tiêu giảm 50% tỷ lệ người dân có mức thu nhập dưới 1 USD/ngày trong giai đoạn 1990-2015, Việt Nam đã vượt khá xa so với MDG đặt ra. Tỷ lệ này đã giảm từ 39,9% năm 1993 xuống còn 4,1% vào năm 2008.

Việt Nam cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 2000 theo chuẩn quốc gia. Đến năm 2009, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 97%; tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi 10 tuổi trở lên đạt 93,1% vào năm 2008.

Liên quan đến bình đẳng giới, báo cáo cho biết, Việt Nam có chỉ số này khá cao so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển và thu nhập; tốc độ thu hẹp khoảng cách giới nhanh nhất khu vực; đã xóa bỏ khoảng cách về giới trong giáo dục…

Theo báo cáo phát triển con người năm 2009 của Liên hiệp quốc, trong số 155 quốc gia, chỉ số phát triển liên quan đến giới của Việt nam đứng thứ 94; chỉ số vai trò của giới đứng thứ 62 (trong số 109 quốc gia)…

Tuy nhiên, một số mục tiêu về môi trường đang đặt ra khó khăn cho Việt Nam. Theo báo cáo, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu như tỷ lệ nhà đơn sơ chỉ còn 7,8% vào năm 2009, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp về sinh tăng từ 30% năm 1990 lên 83% năm 2010, nhưng công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều mặt yếu kém.

“Tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác lãng phí và sử dụng kém hiệu quả, nhiều khía cạnh môi trường không được bảo vệ tốt, bị suy thoái và hủy hoại. Khá nhiều chỉ tiêu về môi trường đặt ra cho kế hoạch 5 năm 2006-2010 có khả năng không đạt được”, báo cáo nhìn nhận.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 chỉ tiêu về môi trường của giai đoạn 5 năm 2006-2010, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 39,5% (kế hoạch là 42-43%); tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sách mới bằng 84% (mục tiêu là 95%); tỷ lệ thu gom chất thải y tế được xử lý mới được 75% (mục tiêu là 100%).

Kém xa mục tiêu nhất là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã thành lập và đang hoạt động có hệ thống sử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, chỉ tiêu này mới đạt 50%, chỉ bằng 1/2 so với mục tiêu đề ra…

Nhìn nhận về thách thức ở phía trước, báo cáo cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì kết quả đạt được và đảm bảo thành quả của quá trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đến được với mọi đối tượng. Ông John Hendra lưu ý thêm các cú sốc kinh tế và thiên tai bất thường có thể xảy ra ảnh hưởng đến mục tiêu đạt được.

Với một số mục tiêu chưa đạt như mong đợi, đại diện từ Liên hiệp quốc cho rằng cần tìm kiếm những thay đổi trong quá trình thực hiện và làm sao để người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình này.

Theo kế hoạch, vào tuần tới, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có phần trình bày báo cáo này tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc, diễn ra tại New York (Mỹ).