10:59 27/07/2009

Việt Nam sản xuất hộp đen thông minh cho ôtô

Phan Anh

iBee dựa trên kỹ thuật định vị GPS của Mỹ, kết hợp nền tảng công nghệ GSM và GPRS và công nghệ bản đồ số

Hộp đen iBee - Ảnh: Hà Tam Thái.
Hộp đen iBee - Ảnh: Hà Tam Thái.
Chiếc hộp đen iBee thông minh “made in Việt Nam” đầu tiên đã được Công ty NASIA chế tạo thành công và sẽ tung ra thị trường trong thời gian tới.

Sản phẩm này có thể ứng dụng rộng rãi trong quản lý, kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ một cách hiệu quả, với chi phí thấp hơn 30% so với nhập ngoại.

Theo ông Nguyễn Bá Tuấn, Giám đốc NASIA, hộp đen này dựa trên kỹ thuật định vị GPS của Mỹ, kết hợp nền tảng công nghệ GSM và GPRS và công nghệ bản đồ số. Nó cho phép luôn theo dõi, giám sát, biết được trạng thái của các đối tượng khi lắp thiết bị này trên website. Ở mọi nơi, mọi lúc đều biết xe ôtô đó đang ở đâu, chạy với tốc độ bao nhiêu, nhiệt độ trong xe bao nhiêu...

Đặc biệt trong trường hợp xe gặp sự cố, lái xe bị cướp, để trung tâm biết được tình trạng của xe, chỉ cần người lái xe ấn 1 nút bất kỳ, kể cả khi xe đã tắt điện đi, trung tâm vẫn có thể nhận được thông tin từ xe để có hỗ trợ kịp thời.

Ngay cả khi kẻ trộm muốn rút nguồn điện, thiết bị cũng báo về trung tâm là thiết bị này đang chuẩn bị tháo lắp, ông Tuấn cho biết.

Riêng đối với phần mềm iBee, có khả năng tìm kiếm một chiếc xe, hay cần theo dõi một thiết bị cụ thể nào đó, chỉ cần ngồi ở trung tâm. Ngoài ra, người quản lý cũng có thể xem lại dấu vết di chuyển, đưa ra dạng đồ thị biểu hiện tốc độ chính xác của phương tiện khi cần kiểm soát với các tính năng bảo mật riêng. Hộp đen iBee thông minh mọi lúc mọi nơi có thể hỗ trợ cho công tác điều hành xe thông minh, hạn chế chi phí và những phức tạp trong kiểm soát hệ thống giao thông vận tải.

Ngay sau khi nghiên cứu thành công và ứng dụng thử nghiệm, eBee được chứng minh mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Nếu với một đội xe có khoảng 200 xe, sau khi áp dụng GPS hiệu quả sẽ mang lại doanh thu tối thiểu của 1 người mới vào làm là 500.000 đồng người/xe. Trước kia, trung bình chạy 100 km thì chỉ có khoảng 45 km có khách. Hiện nay, sau khi ứng dụng iBee với GPS, tỷ lệ xe có khách tăng 10% thu nhập vì trung tâm có thể điều xe ở vị trí gần nhất, rút ngắn thời gian gọi xe, chạy xe không tải.

Như vậy, nếu một hãng xe có 200 chiếc xe chạy trong 1 tháng ứng dụng công nghệ này thì chủ doanh nghiệp có thể thu lợi 100 triệu đồng mà không phải hoạt động. Tính bính quân, mỗi xe có thể sẽ không phải di chuyển 27 km/ngày, tương đương 8.000 km/xe/tháng.

Theo tính toán của ông Tuân, Hà Nội hiện có trên 10.000 xe taxi, với khả năng tiết kiệm chi phí và quãng đường vận chuyển không tải, mỗi tháng có thể làm lợi khoảng 5 tỷ đồng. Ngoài ra, giải pháp công nghệ này còn có thể tiết kiệm nhiên liệu xăng, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế kẹt xe, ách tắc giao thông do các phương tiện vận tải đi lại trong quá trình phục vụ. Đây là hiệu quả kinh tế lớn mà khó có thể tính bằng tiền, ông Tuân khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), công nghệ này không mới trên thế giới, nhưng với Việt Nam, điều quan trọng nhất là đã nắm được công nghệ để làm ra sản phẩm của riêng mình. Nếu như chế tạo thiết bị cần nhỏ hơn nữa để có thể lắp đặt trên xe máy. Ứng dụng công nghệ của Vinasat, tiến tới chủ động điều khiển đồng thời gắn cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ... Nếu ứng dụng GPS hiệu quả có thể quản lý tốt biển Đông, từ luồng cá, hải lưu, sóng thần...

Với nhiều tính năng ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, sản phẩm mới lại hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại vì toàn bộ phần cứng và phần mềm đều được sản xuất bởi NASIA, thậm chí có thể miễn phí nếu cam kết sử dụng lâu dài.

Hiện, giá công nghệ tùy theo mức độ ứng dụng nhưng trung bình khoảng 300 USD/bộ với tất cả các tính năng, thấp hơn 30% so với sản phẩm nhập từ Trung Quốc.