17:02 21/12/2021

Việt Nam và Australia công bố Chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch

Huyền Vy

Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Australia Việt Nam thể hiện các cam kết của hai nước trong thúc đẩy các liên kết về kinh tế, thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng và sẽ giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19…

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Australia Việt Nam.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Australia Việt Nam.

Ngày 21/12/2021, Chính phủ hai nước Việt Nam và Australia công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam Australia nhằm mở ra những cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp của hai nước.

Chiến lược đặt ra một lộ trình tăng cường các cơ hội thương mại và đầu tư, củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước. Chiến lược mang tính độc đáo và là chiến lược đầu tiên trong lịch sử hai nước Việt Nam và Australia, phản ánh những lợi ích chung của hai nước.

Trong cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Hà Nội, Đại sứ Australia Robyn Mudie chia sẻ “Chúng tôi rất tự hào khi được công bố chiến lược này ra công chúng cùng với Việt Nam. Đây là phản ánh rõ ràng nhất về niềm tin vào tương lai kinh tế chung của hai nước. Thông qua chiến lược này, chúng ta có thể cùng nhau khôi phục kinh tế và phát triển thịnh vượng”.

 
“Chiến lược sẽ giúp định hướng hai nước đi tới lộ trình phát triển hội nhập và bền vững".
Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam

“Nền kinh tế hai nước có tính bổ sung cho nhau. Australia là nhà cung cấp dịch vụ và nguyên liệu thô đáng tin cậy cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam, và người tiêu dùng của chúng tôi rất ưa chuộng các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Mối quan hệ này có tiềm năng rất lớn khi chúng ta khôi phục từ dịch Covid-19”, Đại sứ Robyn Mudie nhấn mạnh.

Cũng trong cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết tiềm năng kinh tế giữa Australia và Việt Nam là rất lớn. Chiến lược này sẽ là trọng tâm để hiện thực hóa tiềm năng này. Chiến lược thể hiện các cam kết của chúng ta trong thúc đẩy các liên kết về kinh tế, thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng và sẽ giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Giao diện trang thông tin chính thức của Chiến lược tăng cường hợp tác Kinh tế Australia Việt Nam. 
Giao diện trang thông tin chính thức của Chiến lược tăng cường hợp tác Kinh tế Australia Việt Nam. 

Trong lời mở đầu của Chiến lược, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhất trí rằng Chiến lược là một bước quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu chung của hai nước là nằm trong nhóm mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã viết “Cùng nhau, Australia và Việt Nam đang đạt được những thành tựu lớn lao. Chúng ta có chung một chương trình nghị sự vững chắc, lạc quan và hướng tới tương lai. Chiến lược thể hiện rõ những điều hai nước có thể đạt được khi hai nước hợp tác cùng nhau. Tôi rất vui mừng được giới thiệu Chiến lược tới Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư và đổi mới của Australia và Việt Nam, và tới tất cả những người sẽ cùng nhau hợp tác để đạt được mục tiêu của Chiến lược này”.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã viết “Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Australia đang có những bước phát triển hết sức tốt đẹp. Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Australia thể hiện nguyện vọng và mong muốn của Chính phủ, nhân dân hai nước”.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Australia và Việt Nam, Chiến lược đưa ra một loạt các sáng kiến thiết thực đem lại lợi ích cho cả hai bên, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước trong nhiều lĩnh vực trọng yếu, bao gồm nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, dịch vụ và kinh tế số.

Chiến lược cũng nêu bật tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ để làm cơ sở cho thương mại quốc tế mở cửa và cùng nhau hợp tác để giải quyết các thách thức kinh tế và những hoạt động kinh tế cưỡng ép.