Việt Nam và Philippines nhất trí thiết lập liên minh ngành lúa gạo
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr nhất trí thành lập liên minh ngành lúa gạo, đồng thời kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo...
Chiều 9/7/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr. Hai Bộ trưởng nhất trí thành lập liên minh ngành lúa gạo, đồng thời kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo
PHILIPPINES LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LỚN NHẤT CỦA GẠO VIỆT NAM
Trao đổi với ông Francisco Tiu Laurel Jr, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng và biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ngành lúa gạo Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng ngành lúa gạo, giảm chi phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.
“Sản xuất lúa gạo có vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và khu vực, đóng góp vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo là ngành có lợi thế về điều kiện sinh thái gắn với các giá trị văn hóa và di sản của nền văn minh lúa nước lâu đời của chúng tôi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Trong nửa đầu năm 2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn, giá trị kim ngạch 2,98 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Philippines là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam, chiếm 35-40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
"Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam, với 3 trụ cột “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh. Với Chiến lược mới, chúng tôi đang hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, nông nghiệp phát thải thấp, nâng cao năng lực của hợp tác xã, nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn gắn với cải thiện hạ tầng nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân”,
Bộ trưởng Francisco Tiu Laurel Jr bày tỏ ấn tượng với quang cảnh sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Tuần qua, đoàn Bộ Nông nghiệp Philippines đã đến Đồng bằng sông Cửu Long tham quan mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp và mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Francisco Tiu Laurel Jr cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Philippines nhập khẩu 2,17 triệu tấn gạo, trong đó nhập khẩu gạo từ Việt Nam là 1,59 triệu tấn. Từ vài chục năm nay, Việt Nam luôn là nguồn cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines…
Do đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines coi cuộc hội đàm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là cơ hội quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực và phát triển bền vững; thúc đẩy thương mại nông sản và kết nối doanh nghiệp hai nước.
“Đối với chúng tôi, chuyến công tác lần này là một lớp học thực tế. Chúng tôi được tận mắt trao đổi kinh nghiệm với nông dân và doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những trải nghiệm rất quý báu, cho chúng tôi thêm nhiều ý tưởng để thúc đẩy nông nghiệp Philippines”, Bộ trưởng Francisco khẳng định.
CHUYỂN TỪ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI SANG HỢP TÁC ĐẦU TƯ LÚA GẠO
Theo ông Francisco Tiu Laurel Jr, ngành nông - ngư nghiệp Philippines hiện đối mặt với những thách thức to lớn do năng suất còn thấp, hoạt động sản xuất đa phần có quy mô nhỏ lẻ. Những thay đổi chính trị, xã hội và môi trường gần đây còn gây áp lực nặng nề lên hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm của Philippines, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, dinh dưỡng trong nước.
Ông Francisco đề nghị phía Việt Nam cùng với Philippines thành lập liên minh ngành lúa gạo, để chuyển đổi dần từ quan hệ thương mại lúa gạo sang hợp tác đầu tư sản xuất lúa gạo.
"Chúng tôi đánh giá cao định hướng canh tác bền vững của Việt Nam, kết hợp cơ giới hóa với mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Phương pháp này đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nông dân nước bạn tiết kiệm khoản chi phí đáng kể cho vật tư.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu cơ hội nhập khẩu máy móc, vật tư, tiến tới nội địa hóa những công nghệ của Việt Nam để áp dụng cho ngành sản xuất lúa gạo Philippines. Trước mắt Philippines muốn nhập khẩu phân bón từ Việt Nam và từng bước hợp tác sản xuất phân bón để phục vụ cho nhu cầu của ngành nông nghiệp Philippines".
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình và kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo. Điều này sẽ cho phép Việt Nam đưa các công nghệ phù hợp để tối ưu hóa chuỗi sản xuất lúa gạo của nước bạn, thay vì xuất khẩu sản phẩm gạo đã xay xát. Thêm nữa, hai Bộ Nông nghiệp có thể khám phá khả năng liên doanh sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
Không chỉ đối với ngành hàng lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, căn cứ Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác nghề cá. Việt Nam mong muốn học hỏi Philippines để tăng cường khai thác nguồn nguyên liệu cá ngừ cho các nhà máy chế biến cá ngừ của Việt Nam; phát triển nuôi trồng rong biển, hợp tác nuôi trồng và chế biển rong sụn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 650.000 tấn, thu về 416 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn, tương ứng với giá trị kim ngạch 2,98 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của xuất khẩu gạo Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 636 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều thị trường top 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Philippines tăng 12% (đạt hơn 1,6 triệu tấn); Indonesia tăng 44% (gần 709.000 tấn); Malaysia tăng 134% (gần 458.000 tấn); Cuba tăng 287% (gần 147.000 tấn); Singapore tăng 44% (91.000 tấn). Một số thị trường cao cấp như Hoa Kỳ cũng tăng 4% (17.000 tấn); Úc tăng 13% (16.500 tấn); Canada tăng 2% (7.200 tấn).
Trong tốp 30 thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam có sự tăng trưởng 4 con số là Libya tăng 9.513% (đạt hơn 20.000 tấn) và Ukraine tăng 3.856% (hơn 10.000 tấn). Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu có giá bán cao hơn bình quân, như: Brunei đạt 959 USD/tấn, Hoa Kỳ 868 USD/tấn, Hà Lan 857 USD/tấn, Ukraine 847 USD/tấn, Iraq 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...