Vietnam Airlines giải trình lỗ và phương án khắc phục
Công ty bị rơi vào tình trạng thua lỗ với lỗ sau thuế công ty mẹ năm 2020 là -8.754 tỷ đồng và lỗ sau thuế hợp nhất năm 2020 là -11.178 tỷ đồng
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) (mã HVN-HOSE) vừa có công văn trình việc việc HOSE đưa cổ phiếu VNA vào diện cảnh báo từ ngày 15/4 tới.
Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Tổng công ty là -10.927 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là -9.328 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại tiết b, tiết c điểm 1.1 khoản 1 Điều 22 Quy chế niêm yết chứng khoán tại SGDCK TpHCM ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/3/2018.
Theo như VNA đã giải trình trong bản công bố thông tin BCTC 2020 sự bùng phát dịch Covid 19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh VNA, theo đó sản lượng vận chuyển giảm 45% so với kế hoạch năm 2020 trước khi có dịch bệnh, doanh thu vận tải hàng không giảm 61% so với kế hoạch trước khi có dịch.
Kết quả, công ty bị rơi vào tình trạng thua lỗ với lỗ sau thuế công ty mẹ năm 2020 là -8.754 tỷ đồng và lỗ sau thuế hợp nhất năm 2020 là -11.178 tỷ đồng.
Đồng thời, VNA đã có những giải pháp ứng phó như thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tầu thuê, các nhà cung cấp để giảm giá và giãn hoãn tiến độ thanh toán, cắt giảm chi phí.... Bên cạnh đó, VNA cũng tăng cường sử dụng các khoản vốn vay ngân hàng để bù đắp thanh khoản.
Ngoài ra, theo Nghị quyết của Chính phủ, VNA triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để bổ sung dòng tiền, vừa cải thiện thu nhập.
Đặc biệt, đối với VNA, ngoài chính sách hỗ trợ chung thì Nhà nước với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối (trên 80% vốn điều lệ) đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính như: gia hạn trả nợ khoản vay được chính phủ bảo lãnh, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% cho tổ chức tín dụng để cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh;
Đồng thời, cho phép VNA phát hành cổ phiếu chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với mức tối đa 8.000 tỷ đồng. Được biết, gói tài chính này nhằm mục tiêu bổ sung dòng tiền, hỗ trợ thanh khoản để VNA duy trì hoạt động.
Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Quản lý vốn, VNA đang triển khai các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để giải ngân gói hỗ hợ của Nhà nước.