16:14 26/09/2007

“Vinalines vẫn đang thành công với “tay trái”

Từ Nguyên

Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải nói xu thế sắp tới của doanh nghiệp này sẽ là kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực

Quang cảnh lễ ký thỏa thuận giữa Vinalines và ORIX - Ảnh: Từ Nguyên.
Quang cảnh lễ ký thỏa thuận giữa Vinalines và ORIX - Ảnh: Từ Nguyên.
Ngày 25/9, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) và Tập đoàn Tài chính ORIX (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.

ORIX là tập đoàn dịch vụ tài chính có trụ sở tại Tokyo, với phạm vi hoạt động ở 22 quốc gia và tổng tài sản lên tới 7.242 tỷ Yên (tương đương 65 triệu USD). Hoạt động chủ yếu của ORIX là cho thuê tài chính, cho vay, tham gia cổ phần tư nhân, cho thuê và khai thác phương tiện vận tải, phát triển dự án, bảo hiểm nhân thọ và đầu tư ngân hàng…

Thông qua bản thỏa thuận, ORIX sẽ hợp tác với Vinalines trong các lĩnh vực kinh doanh, thuê, mua tàu biển, các phương tiện vận tải và đầu tư vào các dự án logistic. ORIX cũng cam kết hỗ trợ Vinalines trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và các quỹ tài chính lớn trên thế giới.

Ngoài ra, ORIX sẽ cùng Vinalines tham gia đầu tư trong việc khai thác, kinh doanh khoáng sản, cảng biển, bất động sản, cơ sở hạ tầng và các hoạt động trong việc phát triển công nghiệp vùng duyên hải tại Việt Nam. Đặc biệt, hai bên sẽ cùng nhau thành lập Quỹ đầu tư liên kết, trong đó ORIX và Vinalines sẽ đóng vai trò đồng quản lý quỹ.

Nhân sự kiện này, VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines.

Thưa ông, gần đây Vinalines liên tiếp có các thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vậy mục tiêu đằng sau những bản thỏa thuận này là gì, thưa ông?

Mỗi một sự hợp tác đều có một mục đích và ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, việc hợp tác với Vietcombank, với Citibank là nhằm bổ sung nguồn vốn để Vinalines phát triển đội tàu và dịch vụ logistic. Còn việc hợp tác với ORIX hôm nay là để hai bên cùng hỗ trợ nhau trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, logistic và các dịch vụ hạ tầng cơ sở khác.

Còn sâu xa hơn, việc hợp tác với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước là nhằm mục tiêu đưa Vinalines trở thành một tập đoàn lớn, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành hàng hải quốc tế.

Trong bản thỏa thuận với các đối tác có đề cập đến việc Vinalines sẽ gia nhập thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản… Vậy, những nội dung này đã được triển khai đến đâu, thưa ông?

Trên thực tế thì hiện nay Vinalines đã và đang tham gia vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm…, những lĩnh vực mà nhiều người cho rằng không phải thế mạnh của Vinalines.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định Vinalines vẫn rất thành công với những lĩnh vực “tay trái” của mình, với tư cách không chỉ là đối tác mà còn là cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp tài chính khác.

Nhưng việc mở rộng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực vẫn được các chuyên gia kinh tế cảnh báo là “con dao hai lưỡi”?

Chúng tôi xác định làm kinh doanh là phải dám đương đầu với thử thách. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi luôn ý thức rằng mở rộng và phát triển những gì và đến đâu thì cũng phải nằm trong năng lực và khả năng của doanh nghiệp. Và thực tế là Vinalnes đã và đang thành công với chiến lược đa ngành, đa lĩnh vực của mình.

Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải tiền thân là ngân hàng của Vinalines, do Vinalines lập nên. Đến nay, ngân hàng này vẫn hoạt động kinh doanh rất tốt và Vinalines vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối tại đây.

Ngoài ra, những doanh nghiệp mà Vinalines đang là đối tác và cổ đông chiến lược thì cũng đang rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Do vậy, theo tôi, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực vẫn là xu thế tất yếu. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải có những kế hoạch hành động cụ thể cũng như có sự kiểm soát chặt chẽ cả về tài chính lẫn nhân sự.

Được biết, mục tiêu của Vinalines là trở thành một tập đoàn kinh tế vào cuối năm nay. Vậy Vinalines đã chuẩn bị cho mục tiêu này đến đâu?

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung triển khai các nội dung quan trọng trong Quyết định của Thủ tướng về việc chuyển đổi Tổng công ty Hàng hải thành Tập đoàn Hàng hải Quốc gia Việt Nam vào cuối năm 2007. Việc hoàn thiện điều lệ, quy chế hoạt động cũng như sắp xếp bộ máy đang được chúng tôi gấp rút thực hiện. Với sự chuẩn bị này, khi được Thủ tướng phê chuẩn thì chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt nhịp ngay.

Cho đến thời điểm này có thể khẳng định, Vinalines đã đáp ứng đủ các tiêu chí để trở thành một tập đoàn kinh tế lớn. Vấn đề còn lại chỉ là khâu hoàn thành thủ tục hành chính. Dự kiến trong một đến hai tháng tới, quy trình thủ tục này sẽ được thu xếp hoàn chỉnh.