09:33 08/08/2007

"Vinare ưu tiên hợp tác với các nhà bảo hiểm"

Lan Hương

Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) sẽ phát hành thêm 40,7 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng

Biểu tượng của Vinare.
Biểu tượng của Vinare.
Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) sẽ phát hành thêm 40,7 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên thành 750 tỷ đồng.

Toàn bộ số vốn hiện có và số thu được sau phát hành sẽ dành tăng cường khả năng tài chính của Vinare nhằm thu hút lượng dịch vụ nhận tái bảo hiểm trong và ngoài nước. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Công Tứ, Uỷ viên Hội đồng Quản trị, Phó tổng giám đốc thứ nhất Vinare.

Tại sao Vinare lại phát hành tăng vốn vào thời điểm thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm, thưa ông?

Phải nói rằng, lựa chọn thời điểm để phát hành vốn với các yếu tố thị trường có lợi nhất là một bài toán không hề đơn giản và mất nhiều thời gian để thực hiện yêu cầu đối với tổ chức phát hành.

Chúng tôi quyết định phát hành vốn vào năm 2007 và tin tưởng vào thành công của đợt phát hành bởi xuất phát từ nhu cầu sử dụng vốn của Vinare cho mục đích kinh doanh tái bảo hiểm và các mục đích đầu tư của Vinare năm 2007 và tương lai.

Thời điểm tăng vốn lần này đã được hoạch định trong chiến lược kinh doanh và đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua kể từ khi thành lập. Chiến lược phát triển của Vinare đã được đánh giá là phù hợp với chiến lược phát triển của ngành bảo hiểm và được khẳng định là phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, phương án phát hành của Vinare đã được được xây dựng, tính toán một cách cẩn trọng và khoa học. Còn việc điều chỉnh của thị trường chứng khoán non trẻ sau một thời gian được coi là phát triển nóng là lẽ đương nhiên để hình thành một thị trường ổn định và bền vững.

Sau phát hành, cơ cấu sở hữu của Vinare sẽ như thế nào, thưa ông?

Đợt phát hành tăng vốn điều lệ của Vinare trong năm 2007 sẽ tập trung vào 4 đối tượng chính: cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược, cổ đông tự do (hình thành qua đấu giá) và cổ đông là cán bộ công nhân viên Vinare.

Sau đợt phát hành năm 2007, vốn điều lệ của Vinare sẽ tăng thành 750 tỷ VND, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 36,18%, cổ đông hiện hữu 27,85%, cổ đông chiến lược mới 17,00%, cổ đông tự do hình thành qua đấu giá 16,77%, cán bộ công nhân viên Vinare là 2,20%.

Các nhà đầu tư, những người mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vinare, họ quan tâm điều gì nhất ở Tổng công ty, thưa ông?

Theo tôi, điều họ quan tâm nhất khi đầu tư vào đây là triển vọng của kinh doanh tái bảo hiểm tại thị trường Việt Nam và vị thế của Vinare trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm.

Về triển vọng của ngành, có thể nói như thế này: thị trường bảo hiểm được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Doanh thu phí bảo hiểm năm 2007: ước đạt 2% GDP và đến năm 2010 sẽ đạt khoảng 4,2% GDP.

Bên cạnh đó, những cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO và Hiệp định Thương mại Song phương Việt-Mỹ đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có ngành bảo hiểm.

Về khả năng tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam có số vốn rất hạn chế so với mức trách nhiệm được bảo hiểm ngày càng được tăng cao, do vậy lượng dịch vụ cần chuyển tái vẫn còn ở một tỷ lệ rất cao so với thế giới.

Hiện nay, Vinare là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, hoạt động chuyên trong lĩnh vực nhận và nhượng tái bảo hiểm.

Tính đến thời điểm hiện tại, các cổ đông sáng lập của Vinare (ngoài SCIC đại diện phần vốn Nhà nước) còn có 13 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Các cổ đông sáng lập này góp vốn vào Vinare không chỉ với mục đích sinh lợi trực tiếp mà còn kỳ vọng được hợp tác trao đổi dịch vụ tái bảo hiểm.

Các cam kết về chuyển nhượng tái bảo hiểm giữa Vinare và các cổ đông là một lợi thế kinh doanh riêng có của Vinare, tạo nguồn dịch vụ trao đổi ổn định và giúp Vinare thực hiện tốt chức năng trung tâm điều tiết dịch vụ tái bảo hiểm.

Ngoài ra, Vinare có ảnh hưởng lớn với những công ty bảo hiểm mới thành lập. Qua quá trình hoạt động, Vinare đã thiết lập mối quan hệ trao đổi dịch vụ, hợp tác chặt chẽ với các công ty tái bảo hiểm/tổ chức bảo hiểm uy tín hàng đầu thế giới.

Trong hoạt động đầu tư, Vinare phát triển mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm và một số lĩnh vực tài chính quan trọng.

Như vậy, là công ty duy nhất kinh doanh chuyên tái bảo hiểm, với các lợi thế cạnh tranh vượt trội và kinh nghiệm đó được tích luỹ trong quá trình hoạt động gần 15 năm, việc đầu tư trực tiếp vào Vinare có thể nói là kênh duy nhất, trực tiếp và hiệu quả để các tổ chức bảo hiểm trong và ngoài nước tiếp cận và thâm nhập vào thị trường kinh doanh tái bảo hiểm đầy tiềm năng của Việt Nam.

Vậy tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược của Vinare như thế nào?

Về nguyên tắc, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ do Hội đồng Quản trị Vinare thực hiện theo thứ tự ưu tiên cơ bản sau.

Thứ nhất, các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm trong và ngoài nước có tiềm lực mạnh, trực tiếp hoặc có những cam kết chuyển nhượng, trao đổi dịch vụ đối với Vinare, có khả năng hỗ trợ Vinare trong các lĩnh vực công nghệ, thông tin, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Thứ hai, các đối tác tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động đầu tư tài chính hoặc các lợi ích khác của Vinare.

Vinare có sự ưu tiên nào không giữa cổ đông chiến lược trong và ngoài nước?

Nói chung là không có sự khác biệt cơ bản nào, ngoại trừ việc các nhà đầu tư nước ngoài phải là những công ty có tiềm lực mạnh hơn hẳn các đối tác trong nước và phải tuân thủ theo các quy định của luật pháp.

Tuy nhiên, những cam kết, điều kiện thương thảo, những đóng góp của các cổ đông chiến lược của Vinare sẽ tạo nên sự khác biệt giữa các nhà đầu tư chiến lược trong việc tham gia góp vốn vào Vinare. Hội đồng Quản trị Vinare sẽ quyết định cho từng trường hợp cụ thể.