19:06 10/12/2012

Vinataba: “Thương vụ 30 Nguyễn Du” không phải đầu tư ngoài ngành

Anh Minh

Vinataba giải thích về việc thâu tóm liên doanh để xây tổ hợp văn phòng

Theo Vinataba, văn phòng Tổng công ty cũng như các đơn vị phụ thuộc được
 bố trí phân tán nhiều nơi, thậm chí có đơn vị chưa có địa điểm để thực 
hiện các hoạt động của mình nên đã gây khó khăn cho công tác quản trị và
 điều hành.
Theo Vinataba, văn phòng Tổng công ty cũng như các đơn vị phụ thuộc được bố trí phân tán nhiều nơi, thậm chí có đơn vị chưa có địa điểm để thực hiện các hoạt động của mình nên đã gây khó khăn cho công tác quản trị và điều hành.
Như VnEconomy đã đưa tin, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đang tiến hành các thủ tục mua lại phần vốn góp của bên nước ngoài tại Công ty TNHH Liên doanh Nguyễn Du - liên doanh giữa Vinataba và công ty Pavia Properties Ltd - để xây dựng văn phòng hoạt động của Tổng công ty và đơn vị thành viên.

Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo Vinataba cho biết để tiến hành việc nhận chuyển nhượng vốn góp trong liên doanh, ngày 21/12/2011, Vinataba đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương mua lại toàn bộ phần vốn góp 65% trong liên doanh Nguyễn Du.

Tiếp đó, ngày 8/3/2012, doanh nghiệp này có thêm công văn báo cáo Thủ tướng về thực trạng văn phòng làm việc của tổng công ty và đơn vị thành viên, nguồn vốn để mua lại vốn góp trong liên doanh và phương án khai thác, sử dụng tòa nhà tại số 30 Nguyễn Du.

Sau khi có ý kiến của Cục Đầu tư nước ngoài, Vinataba cũng đã có văn bản giải trình bổ sung theo đó “mục đích mua lại toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh Nguyễn Du và chuyển thành công ty phụ thuộc” là “để làm trụ sở văn phòng tổng công ty, văn phòng giao dịch thương mại các đơn vị phụ thuộc và phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm…”.

Hiện nay, theo Vinataba, văn phòng Tổng công ty cũng như các đơn vị phụ thuộc được bố trí phân tán nhiều nơi, thậm chí có đơn vị chưa có địa điểm để thực hiện các hoạt động của mình nên đã gây khó khăn cho công tác quản trị và điều hành.

Vinataba cũng khẳng định việc mua lại vốn góp không phải là “hoạt động đầu tư ra ngoài ngành” nên đã được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đồng ý về nguyên tắc tại Công văn số 2513 ngày 14/4/2012.

Trong khi đó, với vốn điều lệ 3.878 tỷ đồng, thương vụ chuyển nhượng tại liên doanh Nguyễn Du của Vinataba cũng được xác định là không trái với quy định “tổng mức đầu tư ra ngoài công ty không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty” như quy định.

Sau khi Cục Đầu tư nước ngoài có ý kiến, Vinataba cũng đã xin điều chỉnh ngành nghề của công ty và mục tiêu dự án là cải tạo, nâng cấp, xây dựng và vận hành một tòa nhà văn phòng cho thuê tại 30 Nguyễn Du để làm trụ sở văn phòng tổng công ty, văn phòng giao dịch thương mại của các đơn vị phụ thuộc và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến hoạt động cho thuê văn phòng.

Phần diện tích văn phòng mà Vinataba và các đơn vị phụ thuộc nếu không sử dụng hết  sẽ được dùng để cho các đơn vị thành viên, các công ty liên kết và đối tác của tổng công ty thuê lại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Là một tổng công ty nhà nước lớn với tổng doanh thu lên tới 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2011, trụ sở cũ của Vinataba được dùng chung với Tổng công ty Giấy Việt Nam trên khu đất 230 m2 tại 25A Lý Thường Kiệt, vốn là khu đất được Hà Nội cho Tổng công ty Giấy Việt Nam thuê. Còn hiện nay, Vinataba đang thuê 4 tầng tại tòa nhà Phú Điền tại số 83 Lý Thường Kiệt để làm trụ sở chính.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản nêu ý kiến xung quanh kế hoạch chuyển nhượng này, theo đó về nguyên tắc, việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp của bên nước ngoài và chuyển đổi liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam là không trái với quy định của pháp luật.

“Việc mua lại của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam dùng vào mục đích nêu trên là có thể xem xét với điều kiện phải chứng minh được tính hiệu quả của việc mua lại làm trụ sở, đồng thời, không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, và nhấn mạnh rằng trong hồ sơ xin chuyển nhượng, Vinataba đã “không có văn bản nào giải trình về tính hiệu quả của mục đích mua lại làm trụ sở, đồng thời cũng không có văn bản giải trình cụ thể về nguồn vốn dùng để mua lại phần vốn góp bên nước ngoài (4 triệu USD) và chứng minh việc sử dụng một số lượng lớn tiền mặt của doanh nghiệp như vậy mà không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh”.

Bộ này cũng yêu cầu Vinataba cần thay đổi nội dung về việc xây dựng và kinh doanh tòa nhà làm văn phòng và căn hộ cho thuê tại số 30 Nguyễn Du, Hà Nội theo quy định của pháp luật vì trước đó, trong quá trình xin phép chuyển nhượng vốn, Vinataba đã không đề cập đến ngành nghề kinh doanh cụ thể sau khi chuyển nhượng.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng đây chính là việc đầu tư ngoài ngành. Do vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ chủ quản về vấn đề đầu tư ngoài ngành để báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét quyết định theo thẩm quyền”, văn bản của Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.