13:00 24/03/2022

Virus “siêu cảm cúm” tại Australia làm dấy lên những lo ngại mới

Hoài Phương

Loại virus được gọi là "siêu cảm cúm", từng xuất hiện lần đầu ở Anh vào tháng 11/2021, hiện đang hoành hành tại các thành phố lớn của Australia. Các bệnh nhân có triệu chứng như nhiễm Covid-19, song đều xét nghiệm âm tính…

Sau thời gian phải đối phó với các đợt Covid-19 kéo dài, người dân Australia đang bị lây nhiễm chủng virus mới. Sự quen thuộc của các triệu chứng khiến họ nghi ngờ bản thân nhiễm nCoV, tuy nhiên, các xét nghiệm chẩn đoán đều cho kết quả âm tính. Bệnh cúm cũng có triệu chứng như đau đầu, đau nhức cơ thể, sốt và có thể mất 10 -14 ngày để hồi phục. Giới chức Australia hiện khuyến khích bất kỳ người nào nghi ngờ nhiễm bệnh vẫn nên tiến hành nên xét nghiệm.

Theo các chuyên gia, virus "siêu cảm cúm" lây lan dữ dội tương tự Covid-19. Các biểu hiện phổ biến nhất ở bệnh nhân bao gồm đau rát họng, nhức đầu, đau cơ thể, chảy nước mũi và mệt mỏi. Tuy nhiên, họ không mất vị giác hoặc khứu giác, đây là điểm khác biệt duy nhất với Covid-19.

Hiện mức miễn dịch của Australia xuống thấp, hàng nghìn người đổ ra đường sau gần hai năm giãn cách để trở lại cuộc sống bình thường đã tạo điều kiện cho các mầm bệnh mới nổi xuất hiện. Giới chuyên gia trước đó đã dự đoán số ca nhiễm trùng đường hô hấp nói chung sẽ tăng lên, các trường hợp cúm không nằm ngoài xu hướng này.

Các nhà khoa học nhận định thời gian dài phong tỏa, không phơi nhiễm các loại virus nói chung khiến hệ hô hấp quen thuộc với điều này, dễ tổn thương hơn khi trở lại cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, lượng lớn khách du lịch nhập cảnh Australia cũng mang theo các mầm bệnh lạ.

Virus "siêu cảm cúm" lây lan dữ dội tại Australia, khi mà đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sát khuẩn tay đã bắt đầu bị xem nhẹ.
Virus "siêu cảm cúm" lây lan dữ dội tại Australia, khi mà đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sát khuẩn tay đã bắt đầu bị xem nhẹ.

Tiến sĩ Ian Mackay, chuyên gia virus từ Đại học Queensland, cho biết Covid-19 đã làm thay đổi quan niệm truyền thống rằng mầm bệnh đường hô hấp chỉ xuất hiện trong thời tiết lạnh. "Rõ ràng chúng không xuất hiện theo mùa nữa mà xuất hiện dựa trên mức độ miễn dịch của người dân. Khi miễn dịch xuống thấp, virus có thể hoành hành bất cứ khi nào", ông nói. Những người trước đây thường tự điều trị cảm cúm tại nhà giờ đã đến bác sỹ thăm khám do lo ngại mình có thể mắc Covid-19 và vì vậy mà số ca thông báo có triệu chứng như Covid-19 nhưng có xét nghiệm âm tính tăng đáng kể.

Một số chuyên gia thậm chí lo ngại dịch cúm có trong năm nay có thể gây ra nhiều ca tử vong hơn Covid-19. Nhà dịch tễ học Catherine Bennett cảnh báo: "Khả năng miễn dịch chống lại bệnh cúm của chúng ta thấp hơn vì đã bỏ qua hai mùa cúm. Mùa đông năm nay, số người chết do Covid-19 có thể thấp hơn, vì giờ đây cúm mới là yếu tố tấn công người dễ tổn thương".

Hồi cuối năm 2021, số ca mắc bệnh siêu cảm cúm cũng được ghi nhận tăng mạnh tại Anh, khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ. Các chuyên gia y tế cho rằng virus này không phải bệnh theo mùa mà rất có thể liên quan đến hệ miễn dịch của con người. Điều tương tự đang xảy ra tại Australia, khi mà đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sát khuẩn tay đã bắt đầu bị xem nhẹ. Mức độ phổ biến của bệnh siêu cảm cúm hiện nay tương đương với mức được ghi nhận trong những tháng mùa Đông trước khi bùng phát dịch Covid-19, bất chấp sự thật là thời tiết đang ấm lên.

Trước đó, có một phụ nữ tại Israel được phát hiện mắc cùng lúc cả Covid-19 và cúm mùa (còn gọi là Flurona). Sự việc này gây chú ý vì đây là người đầu tiên nhiễm Flurona và dấy lên câu hỏi việc nhiễm đồng thời hai loại virus ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Các chuyên gia y tế đang lo ngại về “dịch bệnh kép”, do virus SARS-CoV-2 và virus cúm mùa gây ra, có thể tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, mỗi người phải đối mặt với nguy cơ đồng thời phải chống chọi với cả 2 loại virus cùng một lúc.

Tiến sĩ Adrian Burrowes, bác sĩ y học gia đình ở Florida ( Hoa Kỳ), cho biết: “Bạn hoàn toàn có thể mắc bệnh cúm và Covid-19 cùng một lúc, điều này có thể gây nguy hiểm cho hệ thống miễn dịch của bản thân". Yasmin, Giám đốc Sáng kiến Truyền thông sức khỏe Stanford (Hoa Kỳ), cũng cho rằng: “Một khi bạn bị nhiễm cúm và một số loại virus đường hô hấp khác, chúng sẽ khiến cơ thể bạn suy yếu. Khả năng miễn dịch phòng bệnh của bạn suy giảm và điều này khiến bạn dễ bị nhiễm các mầm bệnh khác".

Các triệu chứng của bệnh cúm và Covid-19 khá giống nhau, vì vậy rất khó để phân biệt hai loại này.
Các triệu chứng của bệnh cúm và Covid-19 khá giống nhau, vì vậy rất khó để phân biệt hai loại này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, về bản chất, cả Covid-19 và cúm đều có thể tấn công phổi, có khả năng gây viêm phổi, tràn dịch trong phổi hoặc suy hô hấp. Mỗi tình trạng bệnh đều có thể gây nhiễm trùng huyết, tổn thương tim và viêm các mô tim, não hoặc cơ.

Tiến sĩ Michael Matthay, giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco cảnh báo: “Nguy cơ bị viêm phổi sẽ cao hơn nếu cơ thể bị nhiễm cả virus cúm và virus Corona. Hai loại virus kết hợp với nhau chắc chắn có thể gây tổn thương phổi nhiều hơn và gây suy hô hấp nặng hơn. Suy hô hấp không nhất thiết là phổi của bệnh nhân ngừng hoạt động, mà bản chất là phổi không thể nhận đủ oxy vào máu”.

Tiến sĩ Leonard Mermel, trưởng Khoa Kiểm soát dịch tễ và Nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Rhode Island chỉ rõ: “Các triệu chứng của bệnh cúm và Covid-19 khá giống nhau, vì vậy rất khó để phân biệt hai loại này". Bên cạnh đó cả Covid-19 và bệnh cúm đều có thể lây lan từ người sang người giữa những người tiếp xúc gần với nhau (trong khoảng gần 2m). Cả hai bệnh đều lây lan chủ yếu bởi các phần tử lớn và nhỏ có chứa virus được bắn ra ngoài khi những người mắc bệnh (Covid-19 hoặc cúm) ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Những giọt bắn này có thể phát tán vào miệng hoặc mũi của những người ở gần đó và có thể được hít vào phổi. Trong một số trường hợp như môi trường trong nhà với hệ thống điều hòa, thông khí kém, các giọt bắn nhỏ có thể lây lan xa hơn 2m và gây nhiễm virus. Virus thường lây lan chủ yếu là qua đường hô hấp, tuy nhiên một người có thể bị nhiễm bệnh qua đường tiếp xúc bề mặt (bắt tay với người có virus trên tay của họ) hoặc chạm vào các bề mặt hoặc vật dụng có virus trên đó, và sau đó vô tình chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của chính mình.