Biến thể lai Deltacron có thể sẽ khiến đại dịch còn tiếp tục kéo dài?
Bộ Y tế Brazil hôm 15/3 đã ghi nhận 2 ca nhiễm Deltacron tại nước này. Vậy là ngoài châu Âu và Mỹ, đã có một số quốc gia khác bắt đầu xuất hiện biến thể lai…
Deltacron là biến thể lai giữa Delta và Omicron, được giới khoa học gọi là virus tái tổ hợp AY.4/BA.1. Các nhà khoa học cho biết biến thể này “cực kỳ hiếm” và không phải là “biến thể đáng quan ngại” (VOC) theo phân loại của WHO.
Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, nhấn mạnh: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong dịch tễ học của virus tái tổ hợp này cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng (của virus). Tuy nhiên, giới khoa học đang tiếp tục thực hiện rất nhiều nghiên cứu”.
Ngoài ra, bà Maria Van Kerkhove cũng cho biết biến thể mới này được dự báo sẽ lây lan và có thể khiến cho "đại dịch còn tiếp tục kéo dài."
Các báo cáo cho đến nay đã chỉ ra rằng biến thể Deltacron đã được các nhà nghiên cứu tại Cộng hòa Cyprus phát hiện vào tháng Giêng. Ban đầu, một số người nói rằng nó có thể là dương tính giả do lỗi kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, nhưng WHO và các tổ chức khác sau đó đã công nhận sự tồn tại của biến thể hỗn hợp.
Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra ít nhất 3 biến thể tái tổ hợp của các chủng Covid-19 Omicron và Delta được gọi là Deltacron. Theo đó, trong báo cáo hàng tuần của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), chuyên gia di truyền học Dmitry Pruss cho biết, để hình thành một virus tái tổ hợp, 2 chủng Covid-19 khác nhau trước tiên phải nhân lên cùng một lúc trong cùng tế bào của cùng một người, mà đây được coi là một diễn biến hiếm gặp. Ngay khi virus đầu tiên bắt đầu nhân bản, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt các hệ thống phòng thủ khác nhau, nên virus thứ hai có thể đơn giản là không đủ sức vượt qua các rào cản được dựng lên.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, tình hình lây nhiễm đồng thời hai chủng virus đã thay đổi, bởi vì phản ứng miễn dịch được kích hoạt chống lại Delta khó có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của biến thể Covid-19 mới. Ngoài ra, trong tài liệu ghi nhận các trường hợp cùng tồn tại hai biến thể Delta và Omicron trong cơ thể của cùng các đối tượng bệnh nhân và không có bất kỳ sự suy giảm miễn dịch nào. “Vậy thì không có gì lạ khi phát hiện thấy một loạt các tái tổ hợp của hai chủng khác nhau này”, ông Pruss giải thích.
Trong tất cả các tái tổ hợp đó, phần “đầu” là biến thể từ Delta, còn “đuôi” là từ Omicron, hoặc biến thể từ Omicron chỉ nằm ở giữa, còn phần “đuôi” lại là biến thể từ Delta. Tất cả chúng đều rất hiếm gặp, mỗi dạng chỉ phát hiện một trường hợp. Theo các nhà khoa học, trong tất cả những phát hiện này, gen S là từ Omicron, gen này có lẽ đã mang lại cho các virus tái tổ hợp lợi thế nhất định để chống lại hệ thống miễn dịch ở cơ thể nơi chúng xâm nhập lần đầu tiên và giúp chúng truyền đi xa hơn.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh thông báo, biến thể kết hợp giữa Delta và Omicron hiện đang được “giám sát và điều tra”. Hai biến thể gốc đều được công nhận là lây lan nhanh, tuy nhiên chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Trước mắt, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Hunter thuộc Đại học East Anglia nhận định Deltacron không đặt ra quá nhiều nguy cơ do đa số người dân đã được tiêm phòng vaccine hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm Covid-19.
TS. Etienne Simon-Loriere, chuyên gia virus học tại Viện Pasteur ở Paris (Pháp), người đã tham gia vào việc xác nhận biến thể lai ở Pháp, cũng xác nhận: "Mặc dù sự lai tạo giữa biến thể Delta và Omicron rất dễ lây lan và dường như có thể dẫn tới tình trạng "báo động", nhưng thực tế biến thể lai này chưa phải là mối quan tâm mới".
"Mặc dù Deltacron đã tồn tại từ tháng 1/2022 nhưng biến thể lai này rất hiếm và vẫn chưa cho thấy khả năng lây lan theo cấp số nhân," TS. Simon-Loriere cho biết thêm. Theo các chuyên gia, protein gai đóng một vai trò quan trọng trong xâm nhiễm virus và là mục tiêu chính của các kháng thể được kích hoạt bởi vaccine và tình trạng mắc bệnh trước đó. Điều đó có nghĩa là khả năng phòng thủ của kháng thể chống lại biến thể Omicron mà con người có được thông qua tiêm vaccine hoặc mắc Covid-19 trước đó cũng sẽ có hiệu quả chống lại biến thể lai này.
Ông Simon-Loriere nhấn mạnh: "Bề mặt của biến thể virus lai rất giống với biến thể Omicron, vì vậy cơ thể con người có thể sẽ nhìn nhận nó tương tự như biến thể Omicron. Và giống như biến thể Omicron, biến thể lai này cũng có thể ít gây ra tình trạng bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó".
Trong khi đó, TS. Philippe Colson của IHU Mediterranee Infection ở Marseille, Pháp, tác giả chính của một báo cáo đăng trên trang web về khoa học sức khỏe medRxiv, cho biết, vì có quá ít trường hợp mắc Deltacron được xác nhận nên còn quá sớm để có thể đánh giá ngang hàng nhằm xác định liệu Deltacron có khiến virus lây lan nhanh hoặc gây ra triệu chứng nặng hay không. Theo ông Colson, nhóm của ông đã đã thiết kế dụng cụ xét nghiệm PCR "có thể nhanh chóng kiểm tra các mẫu dương tính với sự hiện diện của chủng virus này".
Mọi người có thể không cần lo lắng về Deltacron, trong khi đó, các nhà nghiên cứu có thể học hỏi từ sự tiến hóa của biến thể mới nhất này. “Đó là một hiện tượng thú vị, và nó giúp chúng ta hiểu thêm về cách thức tiến hóa của virus và cách mà đại dịch tiếp tục kéo dài,” TS. Philippe Colson cho hay. “Và từ đây, thúc đẩy nhu cầu giám sát liên tục để xác định các biến thể tiềm ẩn cần quan tâm như một phần của hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi các xu hướng virus mới bao gồm Covis-19, cúm và các virus khác”.