Những vaccine đường mũi nào đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng?
Hiện trên thế giới có nhiều nhóm nghiên cứu đang tập trung phát triển vaccine dạng xịt hoặc dạng hít có thể ngăn chặn sự lây truyền của virus SARS-CoV-2 bằng cách tấn công vùng niêm mạc mũi, nơi virus khu trú đầu tiên khi xâm nhập cơ thể…
Hệ hô hấp trên, cổ họng và đặc biệt là mũi, là cửa ngõ để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Giáo sư miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Saint-Etienne và là thành viên của Ủy ban vaccine Covid-19 của Pháp, ông Stéphane Paul, cho rằng về mặt lý thuyết, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, cần tạo ra kháng thể trong màng nhầy của mũi và họng. Do đó, vaccine dạng xịt mũi đang trở thành một hướng nghiên cứu mới. Hiện, có khoảng 20 thử nghiệm lâm sàng đã được bắt đầu trên thế giới.
Trong đó, vaccine dạng hít ngừa Covid-19 được phát triển bởi công ty CanSino Biologics của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Dữ liệu cho thấy sản phẩm này đủ điều kiện để đăng ký sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc, một chuyên gia của CanSino cho biết.
Ông Zhu Tao, một thành viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) cho biết: "Người được chủng ngừa sẽ hít một hơi thật sâu từ bình chứa vắc xin dạng khí dung, nhịn thở khoảng 5 giây sau đó từ từ thở ra. Toàn bộ quá trình này mất khoảng 10 giây và hoàn toàn không gây đau đớn, lý tưởng cho những người sợ kim tiêm".
Cũng theo ông Zhu, dữ liệu lâm sàng cho thấy vaccine dạng hít là an toàn và có thể bảo vệ rộng rãi chống lại virus SARS-CoV-2, bao gồm cả các chủng đột biến của nó. Vì các virus gây bệnh hô hấp thường nhắm vào phổi và đường hô hấp trên, nên vaccine dạng hít có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch trong các tế bào tạo nên màng nhầy ở những bộ phận đó của cơ thể, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh.
“Khả năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp này là một đặc tính mà vaccine tiêm bắp không có,” ông Zhu nói. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những lí do khiến biến thể Omicron lây lan nhanh là bởi virus dễ dàng tấn công đường hô hấp trên. Vì vậy, người dùng vaccine dạng hít cũng có thể được bảo vệ tốt hơn trước biến thể này. Ngoài ra, vaccine dạng hít cũng chỉ cần sử dụng một liều lượng thấp để tạo ra phản ứng miễn dịch.
Vaccine dạng hít của CanSino được phát triển dựa trên vaccine vector adenovirus có tên Convidecia - hiện đã được chấp thuận sử dụng ở hơn 10 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Pakistan, Mexico, Chile, Indonesia và Malaysia. “Phiên bản dạng hít có liều lượng bằng khoảng 1/5 liều tiêm thông thường, giúp cho việc sử dụng dễ dàng hơn và nhiều người có thể tiếp cận hơn,” ông Zhu nói. Với những ưu điểm này, một số chuyên gia tin rằng vaccine dạng hít có thể là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19.
Còn tại Nga, ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Gamaleya mới đây cho biết loại vaccine dạng xịt Sputnik V sẽ được lưu hành dân sự tại Nga sau 3 - 4 tháng nữa. Ông Gintsburg cũng cho biết loại vaccine này cũng sẽ có khả năng chống lại biến thể Omicron của SARS-CoV-2. “Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy Sputnik V ở dạng tiêm thông thường bảo vệ chống lại Omicron, vì thế ở dạng xịt mũi nó cũng sẽ có hiệu quả,” ông Gintsburg nói.
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Y tế Nga đã cấp giấy phép cho Trung tâm Gamaleya tiến hành giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik V dạng xịt mũi. Giám đốc Gintsburg, lưu ý, loại vaccine này sẽ không làm thay đổi nhu cầu tiêm chủng thông thường, mà sẽ trở thành loại vaccine bổ sung. Theo nhà khoa học Nga, vaccine dạng xịt mũi tạo ra khả năng miễn dịch tại chỗ ở vùng mũi họng và tạo thêm một rào cản đối với virus tìm cách xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài Trung Quốc và Nga, các nhà nghiên cứu ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang phát triển vaccine Covid-19 dạng hít hoặc xịt mũi, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Trong nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi, các nhà khoa học Australia đánh giá đây là một sự cải tiến có thể tạo ra những "những tác động lớn" trên toàn cầu.
Chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia đã tài trợ 100.000 USD cho hai chuyên gia về hệ hô hấp là Daniela Traini và Pall Thordarson, cùng làm việc tại Mạng lưới nghiên cứu và sản xuất vaccine NSW ARN, thực hiện nghiên cứu trên. Theo đó, hai chuyên gia có thể phối hợp với trung tâm nghiên cứu Medlab đánh giá hiệu quả của loại vaccine dạng xịt mũi mang tên NanoCelle.
Công nghệ dạng xịt này không yêu cầu phải do bác sĩ thực hiện. Nếu chứng minh được hiệu quả, công nghệ này có thể giúp giảm đáng kể áp lực đối với các chuyên gia y tế trong việc tiêm vaccine, giảm thiểu chất thải y tế, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển. Giáo sư Traini cho biết nghiên cứu của bà cùng các cộng sự sẽ tập trung vào việc công nghệ NanoCell có thể cung cấp vaccine qua đường mũi có đảm bảo an toàn và nguyên vẹn hiệu quả của vaccine hay không.
Bà Traini nhận định: “Các vaccine bào chế theo công nghệ mRNA hiện nay, như các loại vaccine của Pfizer và Moderna, được đưa vào cơ thể người bằng cách tiêm tĩnh mạch và cần được bảo quản lạnh theo đúng tiêu chuẩn. Nếu được chứng minh là thành công, công nghệ xịt mũi có thể mở đường cho việc sản xuất các vaccine mRNA dưới dạng xịt mũi và theo đó sẽ mang lại nhiều lợi ích. Giải pháp này có thể là một yếu tố giúp thay đổi cục diện, không chỉ đối với các cộng đồng hẻo lánh ở Australia, mà còn đối với các nước đang phát triển".
Hiện dã có nhiều loại vaccine được sản xuất dưới dạng xịt mũi, trong đó bao gồm cả vaccine cúm. Giáo sư Traini cho biết phương pháp sản xuất vaccine dạng nhỏ giọt qua đường miệng "không mang lại hiệu quả" đối với vaccine bào chế theo công nghệ mRNA, do các hoạt chất sẽ bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa của cơ thể.