VN-Index "hút chết" với nhịp xả cuối ngày
Thị trường vẫn được xem là tăng hôm nay nhưng diễn biến khá tiêu cực và phải nhờ đến sức mạnh của một số cổ phiếu lớn mới giữ cho VN-Index xanh cuối phiên
Thị trường vẫn được xem là tăng hôm nay nhưng diễn biến khá tiêu cực và phải nhờ đến sức mạnh của một số cổ phiếu lớn mới giữ cho VN-Index xanh cuối phiên.
Diễn biến thị trường tiếp tục rất khó chịu, blue-chips ngày càng yếu khiến các chỉ số lò dò đi lên, thậm chí vài thời điểm còn giảm. Đến chiều kịch bản kéo trụ lại lặp lại giống các phiên trước, nhưng kết thúc lại là một đợt xả mạnh.
VN-Index đạt đỉnh cao nhất 1.025,17 điểm lúc 2h11, tăng 0,53% so với tham chiếu. Đúng đỉnh cao này hoạt động bán lớn xuất hiện. Các trụ nào kéo VN-Index lên thì lại cùng nhau hạ độ cao của chỉ số. VN-Index rơi thẳng đứng xuống 1.021 điểm, chỉ còn trên tham chiếu hơn 1 điểm. VN30-Index cuối đợt khớp lệnh liên tục đã mất 2,26 điểm.
Trong đợt ATC, tình thế rất nguy hiểm và VN-Index có nguy cơ cao sẽ đóng cửa dưới tham chiếu vì VCB, BID, SAB đều xuất hiện lực bán mạnh và phải giảm giá sâu hơn thời điểm cuối đợt khớp lệnh liên tục. Trong khi đó GAS, CTG, MSN không có cơ hội tăng thêm được do đều có khối lượng bán đủ để kiềm chế bên mua.
May mắn là VIC, VHM, VNM đều có lực mua tốt. Đặc biệt VIC và VHM đồng loạt được kéo mạnh về tham chiếu. Tính riêng đợt ATC thì VIC tăng tới 1.300 đồng, tức là 1,24%, từ 104.500 đồng lên 105.800 đồng. VHM phục hồi được 400 đồng. VNM nhích lên được 100 đồng. Mặc dù cả 3 cổ phiếu này đều không tăng so với tham chiếu – VNM vẫn giảm 0,46% - nhưng chỉ riêng một lần giao dịch thì mức tăng lại tốt. Do đó khi VCB, BID sập giá khá mạnh, các trụ khác gần như đứng im (so với đợt khớp lệnh liên tục) thì VIC, VHM, VNM lại là 3 trụ chính đẩy VN-Index tăng thêm một chút, tránh khỏi mức đóng cửa giảm. Chỉ cần 3 mã này không thay đổi giá thì chỉ số sẽ đỏ.
VN-Index kết thúc phiên có được 1,69 điểm, ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tục trong tuần này và tiến lên 1.021,49 điểm. Trong khi đó VN30-Index không được kéo nhiều, đóng cửa vẫn giảm 0,11% so với tham chiếu và chỉ có 11 mã tăng/16 mã giảm.
Các blue-chips còn tăng tốt là CTG tăng 2,66%, GAS tăng 1,18%, SAB tăng 3,59%, MSN tăng 3,12%, còn lại là vài mã nhỏ tăng trên 1% như PNJ, POW, SBT, số khác không đáng kể.
Nhóm trụ cũng giảm không tệ, duy nhất VCB mất 2,57% là có ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra VNM giảm 0,46%, VPB giảm 1,77%, TCB giảm 0,8%, VRE giảm 1,41%, MWG giảm 0,7%...
Mặc dù VN-Index vẫn tăng nhưng độ rộng hôm nay kém đi nhiều. Sàn này chỉ còn 198 mã tăng/245 mã giảm. Khoảng 100 cổ phiếu giảm trên 1%. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nhất định: Midcap tăng nhẹ 0,36% trong khi Smallcap giảm 0,14%. Tuy nhiên các mã đầu cơ riêng lẻ vẫn khá tốt như TDH, GVR, ABS, SRC, DHC, TDG, CKG. Số mã kịch trần hôm nay chỉ còn 13 mã trong đó một nửa không có thanh khoản đáng kể.
Trong nhóm blue-chips, CTG là mã đáng chú ý nhất, hôm nay lập kỷ lục về thanh khoản từ đỉnh 2018. CTG chuyển nhượng gần 21,3 triệu cổ trị giá 735,4 tỷ đồng, trong đó gần 19 triệu cổ là khớp lệnh tương đương 655 tỷ đồng. Không chỉ thanh khoản lớn, CTG cũng tăng giá cực mạnh trong bối cảnh các mã ngân hàng khác thoái trào. CTG đã lên mức tương đương đầu tháng 4/2018.
Thanh khoản cao của CTG là trường hợp cá biệt mà tăng giá rõ rệt. Nhiều cổ phiếu khác như HPG, giao dịch cũng rất cao (656,7 tỷ đồng khớp lệnh) nhưng giá không tăng được bao nhiêu, thậm chí là bị ép trong cả ngày. Trong Top 10 giá trị khớp lệnh thị trường hôm nay (đều tập trung ở HSX) thì chỉ có HPG, POW và CTG là chốt được trên tham chiếu, còn lại toàn giảm. Nhóm này chiếm tới 38% tổng giá trị khớp của sàn.
Tổng giá trị giao dịch hai sàn vẫn chỉ ở mức trung bình với 11.657 tỷ đồng do thỏa thuận yếu. Tuy vậy khớp lệnh rất cao, lên tới trên 10.800 tỷ đồng. Mức khớp lệnh này đã giúp tuần này lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử thị trường, là giá trị khớp bình quân đạt 10.688 tỷ đồng/ngày.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đã mua bán cần bằng hơn, thậm chí là bán ròng nhẹ 46 tỷ đồng trên sàn HSX. Bán ròng chính là các mã ngoài VN30 như LCG, PAN, GMD. Chỉ có VRE và SSI là blue-chips bị xả khá nhiều. Ngược lại nhiều mã trong nhóm Vn30 được mua tốt như MBB, VPB, VHM, GAS, MSN với giá trị cao. Do đó tính riêng nhóm VN30 thì khối này lại mua ròng khoảng 34 tỷ đồng.