20:28 03/05/2007

VN-Index “leo dốc” khó khăn

Hồng Kỳ

VN-Index tăng điểm liên tiếp 3 phiên, nhưng tốc độ tăng không cao và sự tăng trưởng này được nhìn nhận là chưa bền vững

Tâm lý chưa dám mua vào, chờ đợi cổ phiếu giảm giá nhiều hơn và ngược lại không chịu bán ra vì đã trót mua ở mức giá cao khiến cho kết quả là cung cầu cổ phiếu đã sụt giảm mạnh so với phiên trước - Ảnh: TP.
Tâm lý chưa dám mua vào, chờ đợi cổ phiếu giảm giá nhiều hơn và ngược lại không chịu bán ra vì đã trót mua ở mức giá cao khiến cho kết quả là cung cầu cổ phiếu đã sụt giảm mạnh so với phiên trước - Ảnh: TP.
Mặc dù tăng nhẹ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/5/2007 (tăng 1,98 điểm lên 937,46 điểm), nhưng tốc độ “leo dốc” của VN-Index có vẻ khó khăn hơn khi giá nhiều cổ phiếu đã chững lại, thậm chí số cổ phiếu giảm giá đã chiếm đa số.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index chỉ tăng nhẹ. Giao dịch mua bán cổ phiếu cũng sụt giảm hơn 15% so với phiên trước.

Đã có những dự báo lạc quan của các chuyên gia về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể lên tới 8,5%; một lượng vốn khổng lồ lên tới 35 tỷ USD đang chuẩn bị được đổ vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tình hình hoạt động của phần lớn các công ty niêm yết trong quý I/2007 cũng khá tốt, giá nhiều cổ phiếu cũng giảm mạnh, và nhiều chuyên gia nhận định đây là thời điểm tốt để đầu tư cổ phiếu.

Chỉ số VN-Index tăng điểm liên tiếp 3 phiên, nhưng tốc độ tăng không cao và sự tăng trưởng này được nhìn nhận là chưa bền vững. Theo thống kê từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, có đến 46 cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ giảm giá, chỉ có 31 cổ phiếu tăng giá và 30 cổ phiếu đứng giá.

Tâm lý chưa dám mua vào, chờ đợi cổ phiếu giảm giá nhiều hơn và ngược lại không chịu bán ra vì đã trót mua ở mức giá cao khiến cho kết quả là cung cầu cổ phiếu đã sụt giảm mạnh so với phiên trước. Toàn thị trường chỉ có 3,46 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng (kể cả khớp lệnh lẫn thoả thuận) với tổng giá trị giao dịch đạt gần 492 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 11% về giá trị.

REE tiếp tục giữ “ngôi đầu bảng” về khối lượng giao dịch với gần 337. 560 cổ phiếu được chuyển nhượng. Các mã tiếp theo nằm trong top 10 cổ phiếu có giao dịch lớn nhất thị trường gồm VNM với hơn 260.700 cổ phiếu, CII với gần 247.400 cổ phiếu, STB với gần 216.950 cổ phiếu, GMD với 157.170 cổ phiếu. Các mã có lượng giao dịch từ 100.000 cổ phiếu đến dưới 153.000 gồm có FPT, PPC, PVD, ITA, VSH.

Trong 10 cổ phiếu chủ chốt này, chỉ có CII, FPT và PVD là tăng giá, các cổ phiếu còn lại đều giảm hoặc đứng ở giá tham chiếu. Với sự sụt giảm của các cổ phiếu chủ chốt trên, chỉ số VN-Index sẽ tụt dốc, nhưng nhờ có mã tăng mạnh như BBC, BMP, CII, FPT, DHG, HBC, KDC, SGH, SMC TS4, TCT, đã kéo VN-Index tiếp tục leo dốc, nhưng với tốc độ leo rất “ì ạch”.

Hoà chung vào dòng giảm giá của nhiều cổ phiếu, hai 2 chứng chỉ quỹ BF1 và VF1 cũng giảm theo. BF1 giảm 200 đồng xuống 13.800 đồng, VF1 giảm xuống mức giá sàn 32.300 đồng với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 574.000 chứng chỉ quỹ, góp thêm cho thị trường 15,89 tỷ đồng, giảm 12% so với phiên trước.

Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sức mua đạt 50% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Khối này đã bỏ ra 234 tỷ đồng để mua vào 54 mã chứng khoán với tổng khối lượng hơn 1,6 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Các mã được mua vào nhiều vẫn là VNM, CII, GMD, PVD, FPT, KDC, ITA, REE, VSH.

Ngược lại, giá trị bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 1/3 giá trị mua vào với giá trị đạt 87 tỷ đồng. Các mã được bán nhiều nhất là VNM, VSH, PPC, FPT, CII, KDC, GMD, ITA, TDH.

Tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index tiếp tục giảm 5,75 điểm xuống mức 323,49 điểm. Kết thúc phiên 47/86 mã giảm giá, 03 mã đứng giá, 24 mã tăng giá và 12 mã không có giao dịch. Kết quả, chỉ có 752.100 cổ phiếu khớp lệnh với giá trị đạt hơn 74 tỷ đồng.