09:50 05/03/2007

Vỡ mộng trên đất Mỹ

Thông tin về chương trình thí điểm xuất khẩu lao động sang Mỹ hiện đang được nhiều người quan tâm

Những lao động được tuyển dụng từ Thái Lan.
Những lao động được tuyển dụng từ Thái Lan.
Thông tin về chương trình thí điểm xuất khẩu lao động sang Mỹ hiện đang được nhiều người quan tâm.

Thực tế các nước xung quanh Việt Nam cũng đã đưa lao động sang Mỹ, tuy nhiên mọi việc không như sự kỳ vọng ban đầu. Để có thêm một góc nhìn về lao động châu Á tại Mỹ, chúng tôi giới thiệu bài viết vừa được đăng trên tờ Thời báo New York (New York Times).

Thế chấp đất đai...

“Nông dân Thái Lan kiếm được 500 USD một năm. Sau ba năm làm việc tại nông trại ở bắc Cali sẽ có được số tiền gấp 30 lần so với lúc làm việc tại quê nhà”. Lời chào mời hấp dẫn này khiến các lao động tại Thái Lan khó lòng từ chối.

Worawut Khansamrit (40 tuổi) đã thế chấp nông trại của mình để đóng lệ phí khá cao là 11.000 USD đi xuất khẩu lao động. Theo ông, số tiền này không đáng là bao so với lời hứa hẹn tiền lương hấp dẫn.

Ông cùng 30 người đồng hương đến bắc Cali thì mới vỡ lẽ họ chỉ làm việc trong một tháng. Sau đó, ông bị đưa sang New Orleans để dọn dẹp đống đổ nát của một khách sạn do bão Katrina gây ra và công việc này không được tính lương.

Còn Indra Budiawan, 28 tuổi, người Indonesia, cho biết: “Tôi thấy mình thật sự bị lừa. Không có công việc nào dành cho tôi kể từ lúc tôi đến đây”. Anh đem đất của ba vợ thế chấp cho ngân hàng để có 6.000 USD nộp cho nhà môi giới sau khi nghe công việc hấp dẫn ở nông trại bắc Cali. Nhưng khi đến, cô Leeta Kang (chủ Trung tâm Giới thiệu việc làm GTN) nói hết việc. Anh được đưa đến nơi trọ nhỏ, ngủ trên sàn nhà và chờ đợi một “công việc trong mơ”.

Chán nản, anh muốn rời khỏi nơi đây nhưng Kang yêu cầu anh phải trả 2.000 USD cho vé máy bay và hộ chiếu mà cô đã làm cho anh. Sau hai tuần không có việc, anh bỏ trốn sang Miami cùng với hai lao động Indonesia khác. Anh nói: “Tôi thật sự xấu hổ. Mọi người ở nhà chỉ trông chờ vào tôi, còn ngân hàng thì đang phát mãi đất nhà”.

Kang khăng khăng rằng điều này không phải lỗi do cô mà do chủ nông trại. Cô phân trần: “Do thời điểm anh sang thì người chủ nông trại đã thu hoạch xong vụ bí nên không cần thêm nhân công”.

Tháng này, Worawut Khansamrit và các lao động Thái Lan khác đã kiện vụ việc này lên tòa án liên bang, khẳng định rằng họ là nạn nhân của những trò lừa gạt đi xuất khẩu lao động.

Thực tế phũ phàng

David Griffith, giáo sư nhân học tại Trường Đại học Đông Carolina, cho biết: “Phần đông lao động nhập cư tại Mỹ chịu sự đối xử thậm tệ”.

Các lao động nước ngoài còn bị lừa với nhiều chiêu thức. Họ thường phải trả một phí rất đắt để nhận được thời gian làm việc và tiền lương không thỏa đáng. Thậm chí, nhiều nhà tuyển dụng còn không trả chi phí đi lại. Lao động Thái Lan được hứa trả 16.000 USD/năm và làm việc trong ba năm, nhưng cuối cùng họ chỉ được trả mức 1.400-2.400 USD. Không những thế, họ còn bị chủ giữ hộ chiếu khi đến nơi và khi biết mình đã “vào tròng” thì quá muộn.

Cindy Hahamovitch, giáo sư sử học Trường William, nhận xét: “Việc kiểm tra nơi ăn ở, làm việc của lao động nước ngoài vẫn còn rất hạn chế. Do đó, việc đối xử thậm tệ và vi phạm hợp đồng như thế này đã lan tràn khắp nơi, thậm chí ngay lúc có nhiều việc làm nhất”.

Các công đoàn lao động và cộng đồng những người nhập cư lên tiếng chỉ trích: “Những ông chủ tại đây đã quá thổi phồng việc thiếu hụt lao động địa phương. Trên thực tế họ muốn nhân cơ hội này để tuyển những lao động tạm thời với giá rẻ, dễ bảo đến từ các nước”.

Mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nước ngoài được cấp visa để làm việc tại những nông trại, lao động phổ thông thường từ 3-9 tháng vì những ông chủ tại đây than vãn rằng họ cần lao động nước ngoài và sẵn sàng nhận vào làm việc tại công ty mình.

Nhưng thực tế thì những người chủ thường đối xử tệ với lao động nước ngoài hơn những lao động khác, bởi họ biết rằng các lao động nước ngoài sẽ bị trả về nước ngay lập tức khi họ có bất kỳ phàn nàn nào. Ngoài ra, người chủ biết được những lao động nhập cư khó có thể xin được việc làm khác do bất lợi về mặt pháp lý và ngôn ngữ (theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lao động).