15:20 07/05/2023

Vô số hoạt động thú vị dành cho du khách tới Anh xem lễ đăng quang

Tường Bách

Gần 70 năm sau Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào tháng 6 năm 1953, lễ đăng quang của Vua Charles III dự kiến thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến để chào mừng vị tân vương…

Tu viện Westminster tại London nhìn từ trên cao. Ảnh: NZ Herald
Tu viện Westminster tại London nhìn từ trên cao. Ảnh: NZ Herald

Các nhà phân tích thị trường du lịch ngày hôm qua đã công bố dữ liệu xu hướng để nêu bật tác động của Lễ đăng quang của Nhà vua đối với du lịch quốc tế đến Vương quốc Anh. Theo đó, lượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế đến Anh trong vòng 24 giờ sau thông báo về ngày giờ tổ chức lễ đăng quang đã tăng 81%. Lượng giao dịch đặt chỗ cho các chuyến bay đến Vương quốc Anh vào dịp cuối tuần diễn ra Lễ đăng quang đã tăng 149% trong vòng 24 giờ sau khi thông báo.

Mặc dù lượng tìm kiếm lớn nhất cho các chuyến đi đến Vương quốc Anh trong dịp cuối tuần diễn ra lễ đăng quang phần lớn đến từ châu Âu, nhưng Hoa Kỳ là quốc gia số 1 đặt các chuyến đi đến Vương quốc Anh. Dựa trên việc đặt vé máy bay, 9 quốc gia hàng đầu khác có du khách đến Vương quốc Anh đông nhất trong dịp này chính là: Ấn Độ, Úc, Canada, Ý, Nigeria, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Tây Ban Nha.

Lễ đăng quang của Vua Charles III và vợ của ông, Camilla, với tư cách là vua và hoàng hậu của Vương quốc Anh và các vương quốc Khối thịnh vượng chung đã diễn ra hôm qua, ngày 6/5 tại Tu viện Westminster. Do đó, ngày hôm nay, Chủ nhật, là cơ hội để du khách tham gia một bữa tiệc lớn của người Anh. Người dân, chính quyền sẽ tổ chức các "Bữa trưa trọng đại" mừng tân vương trên khắp Vương quốc Anh. Đó là các bữa tiệc đường phố, bữa ăn trong gia đình hay uống trà cùng hàng xóm. Trên website đưa tin về lễ đăng quang của Chính phủ Anh có ghi chi tiết các điểm sẽ tổ chức những bữa trưa này. Đến nay, có 610 bữa tiệc đường phố và hơn 3.700 sự kiện (công cộng lẫn riêng tư) được đăng ký trên trang web.

Lễ đổi gác của đội cận vệ Cung điện Buckingham.
Lễ đổi gác của đội cận vệ Cung điện Buckingham.

Tối nay, 7/5, các ca sĩ nổi tiếng người Anh như Katy Perry, Lionel Richie, Andrea Bocelli và dàn hợp xướng sẽ tham gia biểu diễn trong buổi hòa nhạc đăng quang tại khuôn viên lâu đài Windsor. Sân khấu rộng 95m, và buổi hòa nhạc có sức chứa 20.000 người. Cổng đăng ký nhận vé xem hòa nhạc đã đóng, nhưng những người không có vé vào cửa có thể xem qua màn hình lớn tại công viên St James. Buổi diễn bắt đầu lúc 20h, du khách được vào công viên từ 16h (miễn phí). Tại đây có quầy bán đồ ăn, thức uống, nhà vệ sinh công cộng và trạm tiếp nước.

Đối với những người hâm mộ Hoàng gia Anh, Cung điện Buckingham là điều không cần bàn cãi, trong khi Lâu đài Lancaster ở Lancashire nổi tiếng nhưng ít được biết đến hơn. Thuộc sở hữu của Nhà vua, lâu đài thời trung cổ và là nhà tù cũ này mở cửa cho công chúng tham quan các phòng xử án, phòng giam và địa điểm hành quyết.

Đi xa hơn về phía bắc đến Edinburgh, khách du lịch có thể mua vé tham quan Lâu đài Edinburgh, Cung điện Holyroodhouse và Britannia, du thuyền hoàng gia trước đây của Nữ hoàng Elizabeth II. Bước vào bên trong và khám phá cuộc sống xa hoa của các hoàng gia trên tàu, đỉnh điểm là những chiếc bánh nướng nóng hổi trong Phòng trà Royal Deck.

Không gian bên trong trang trại hoàng gia cũ của Nữ hoàng Elizabeth II ở Edinburgh.
Không gian bên trong trang trại hoàng gia cũ của Nữ hoàng Elizabeth II ở Edinburgh.

Tại London, Tu viện Westminster đã trở thành nhà thờ đăng quang của Vương quốc Anh từ năm 1066. Với mức giá 55 đô la/người, thêm 20 đô la nếu có hướng dẫn viên, du khách sẽ được biết những bí mật trong lăng mộ hoàng gia và nhà nguyện dành cho phụ nữ, cũng như những khu vực mà du khách bình thường không thể tiếp cận.

Ngoài ra, du khách cũng có thể đặt tour tham quan lâu đài Windsor vào ngày 8/5. Cho dịch vụ "Buổi sáng hoàng gia", du khách sẽ phải chi trả 8.200 bảng Anh (hơn 242 triệu đồng) để hưởng thụ trải nghiệm có lối đi riêng để vào điện Kensington (một trong những nơi ở của hoàng gia Anh) và tham quan các phòng trưng bày đồ trang sức của nữ hoàng Victoria hay triển lãm Crown to Couture (nơi trưng bày các lễ phục hoàng gia).

Với những du khách thường tò mò về việc hoàng gia ăn tối ở đâu, chắc chắn những gợi ý dưới đây không có nơi nào giá rẻ. Quán bia kiểu Pháp của Bellamy ở Mayfair, London là địa điểm yêu thích của Nữ hoàng, trong khi Công nương Diana thì thích Launceston Place ở Kensington hãy nếm thử món súp phô mai được đặt tên để vinh danh cô ấy. Nhà hàng Brilliant Restaurant là nơi vua Charles III từng ghé thăm hai lần. Nhà vua Anh cũng gọi đây là nhà hàng Ấn Độ yêu thích của mình. Nhà hàng nằm ngay trên đường từ sân bay Heathrow vào trung tâm thành phố, cách ga Southall 12 phút đi bộ. 

Công nương Diana thường ăn tối tại Launceston Place ở Kensington, London.
Công nương Diana thường ăn tối tại Launceston Place ở Kensington, London.

Trong khi đó, quán bar Mahiki kiêm nhà hàng nằm ở Mayfair, một quận giàu có nằm ở khu vực Westminster, giáp Hyde Park, là nơi yêu thích của Công nương Kate, Hoàng tử William và Harry khi còn trẻ. Jack Brooksbank, chồng Công chúa Eugeine, cũng từng làm quản lý nơi này. Theo CNN, Treasure Chest là món cocktail mà Hoàng tử William thích. Còn cửa hàng Fortnum & Mason là nơi Nữ hoàng Elizabeth II từng đến để uống trà chiều cùng con dâu (hiện là Hoàng hậu Camilla) và cháu dâu (Công nương Kate) để kỷ niệm 60 năm trị vì. Nữ hoàng chọn một loại kem màu tím để thưởng thức.

Dành cho những người muốn tranh thủ dịp này để khám phá London, City Cruises - công ty điều hành các chuyến tham quan dọc sông Thames, sẽ trang trí không gian trên tàu cùng nội thất theo chủ đề Hoàng gia Anh. Họ cũng chuẩn bị áo choàng và vương miện cho du khách tham gia các tour du thuyền trên sông vào tuần đầu tiên của tháng 5.

Cung đường dọc điện Buckingham, chạy về phía ga Victoria, là nơi bán đồ lưu niệm đặc trưng của nước Anh với nhiều loại giá khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Hoàng gia cũng có một cửa bán quà tặng mang tên Cửa hàng Cung điện Buckingham, nằm tại số 7 đường Buckingham Palace. Trong khi đó, Premier Inn, chuỗi cửa hàng bình dân ở Anh, đang bán những chiếc áo choàng tắm kiểu vua chúa phiên bản giới hạn, có gắn lông chồn giả, để du khách mua về làm quà tặng.

Những món quà lưu niệm lấy cảm hứng từ Vua Charles III được bày bán khắp London nhân dịp này.
Những món quà lưu niệm lấy cảm hứng từ Vua Charles III được bày bán khắp London nhân dịp này.

Mỗi năm, gia đình hoàng gia chịu trách nhiệm tạo ra hàng triệu bảng Anh cho ngành du lịch của đất nước. Theo Forbes, riêng lâu đài Windsor và trang viên Frogmore đã ghi nhận khoảng 426.000 du khách từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022. Một vé người lớn có giá 30,5 USD, chỉ mở cửa từ thứ sáu đến chủ nhật. Các địa điểm du lịch hoàng gia khác như Cung điện Buckingham, Nhà Clarence, Cung điện Holyroodhouse và Phòng trưng bày của nữ hoàng cũng tạo ra doanh thu đáng kể. Ngoài việc tạo ra thu nhập từ bán vé, các địa danh khác nhau còn bán đồ lưu niệm, đồ trang sức cũng như đồ trang trí Giáng sinh.

Gia đình hoàng gia Anh cũng tạo ra doanh thu du lịch thông qua bộ sưu tập hoàng gia và tài sản của Vua/Nữ hàng. Theo báo cáo năm 2019-2020, kỷ lục 3.285.000 người đã đến thăm các dinh thự chính thức, tạo ra 57,5 triệu USD. Từ góc độ bán lẻ, doanh số cửa hàng quà tặng của bộ sưu tập hoàng gia đã kiếm được hơn 23 triệu USD trong một năm, khiến tổng thu nhập trong năm của nó lên đến 82,5 triệu USD. Trong khi nguồn thu trung bình hàng năm từ người nộp thuế tại Vương quốc Anh vào khoảng hơn 576 triệu USD/năm, Brand Finance ước tính thương hiệu của chế độ quân chủ đóng góp 2,8 tỷ USD cho nền kinh tế Anh trong cùng khung thời gian.