08:31 01/04/2008

“Vốn thực hiện đuổi không kịp vốn đăng ký”

Từ Nguyên

Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký đạt 5,4 tỷ USD nhưng vốn thực hiện thì chỉ đạt 2 tỷ USD

"Hiện tại đến thời điểm này chưa có dấu hiệu cho thấy vốn FDI chững lại do lạm phát."
"Hiện tại đến thời điểm này chưa có dấu hiệu cho thấy vốn FDI chững lại do lạm phát."
Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký đạt 5,4 tỷ USD nhưng vốn thực hiện thì chỉ đạt 2 tỷ USD.

Khoảng cách lớn giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài là vấn đề được chúng tôi đưa ra trong cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Cục Đầu tư nước ngoài đã có giải pháp gì trước tình trạng ngày càng giãn ra giữa vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện, thưa ông?

Đây là điều chúng ta không hề mong muốn. Trong vài năm trở lại đây, khoảng cách ngày càng giãn rộng bởi vốn đăng ký tăng quá nhanh.

Ví dụ như trong năm 2007, mặc dù vốn thực hiện đã đạt gần 8 tỷ USD nhưng vốn đăng ký đã vượt trên 21 tỷ USD, khiến vốn thực hiện không thể đuổi kịp.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang trình Thủ tướng phê duyệt đề án thúc đẩy giải ngân nguồn vốn FDI. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, có thể trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ tiến hành phân loại các dự án FDI thành bốn loại chủ yếu: loại đã cấp phép, triển khai thuận lợi; loại mới nhận giấy phép, đang làm thủ tục; loại đã cấp giấy phép nhanh đang gặp vướng mắc khi triển khai; loại đã cấp giấy phép nhưng chưa thể triển khai.

Đối tượng được tập trung giải quyết chính là các dự án đang gặp vướng mắc, chẳng hạn như đã sẵn sàng về tài chính nhưng chưa thể triển khai do vướng ở khâu giá cả đền bù đất chưa minh bạch…

Tuy nhiên, theo tôi thì quan trọng là chúng ta cần phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành, các địa phương để nhìn ra vấn đề giải ngân FDI đang vướng thực sự ở đâu để từ đó có cách giải quyết cụ thể. Phải “sờ”, “nắn” được khó khăn đó, không thể nói chung chung được.

Nhiều người lo ngại vốn FDI trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng bởi những lực cản như: nhũng nhiễu của cán bộ, giá thuê đất, chi phí và cả lạm phát nữa..., thưa ông?

Hiện tại đến thời điểm này chưa có dấu hiệu cho thấy vốn FDI chững lại do lạm phát.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đấy, vốn FDI đã phải chịu tác động của một số lực cản như: giá cho thuê đất tăng cao (do đầu tư bất động sản nóng lên trong thời gian qua). Còn các chi phí đầu vào khác như giá nguyên vật liệu leo thang tất yếu sẽ ảnh hưởng tới tiến độ, chi phí dự án. Nhà đầu tư phải tính toán lại, bổ sung nguồn vốn hoặc đàm phán tiến độ thực hiện.

Còn các hiện tượng như nhũng nhiễu của cán bộ cấp phép cũng không phải là phổ biến và một phần là do các địa phương mới được phân cấp quản lý trực tiếp đầu tư, chưa kịp chuẩn bị về hệ thống nhân sự. Điều này sẽ được chúng tôi khắc phục dần.

Nhưng nhiều người cho rằng, hiện vẫn có quá nhiều dự án "treo" do các nhà đầu tư ôm đất chờ thời cơ?

Đây vẫn là tin đồn bởi chúng tôi vẫn chưa có con số thống kê cụ thể để kiểm chứng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn biết được, trên thực tế vẫn có một số không nhỏ nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.

Nhưng, để giải quyết vấn đề này lại không phải là chuyện dễ. Phải có con số thống kê các dự án “treo”, dự án “ma”, dự án chậm tiến độ và ảnh hưởng tới dự án như thế nào…mới có sơ sở để giải quyết.

Hy vọng khi đề án mà chúng tôi đang xây dựng nói trên được triển khai vào thực tiễn sẽ ngăn chặn được kiểu “đầu cơ” dự án này.

Có một thực tế là trong các dự án liên doanh có vốn FDI thì phía Việt Nam vẫn thường thụ động, phó mặc cho phía đối tác nước ngoài và chỉ lấy % lợi nhuận?

Đúng là có hiện tượng trên và Cục cũng đang có ý định tổng rà soát xem thực tế chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm/tổng dự án. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này cũng là một việc khó khăn vì các nhà đầu tư trong các dự án đó thường ẩn dưới lý do này, lý do khác nên rất khó để xác định là phía Việt Nam có tham gia thực sự hay không.

Đến thời điểm này thì giải pháp duy nhất vẫn là phát huy việc phân cấp quản lý cho địa phương. Hiện nay, nhờ việc phân cấp toàn diện nên không thể có chuyện đổ lỗi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các địa phương sẽ tự giám sát hoạt động, tiến độ, hiệu quả của dự án và báo cáo lên Bộ.