09:26 31/07/2007

Vốn vào chứng khoán: Chủ động là chủ yếu

Minh Đức

Cuộc khảo sát của VnEconomy cho thấy đa số nhà đầu tư chứng khoán đang có sự chủ động cần thiết với nguồn vốn của mình

Phần lớn lượng vốn đổ vào thị trường của nhà đầu tư cá nhân trong thời gian qua và hiện nay là từ tích lũy tiết kiệm - Ảnh: Mạnh Thắng.
Phần lớn lượng vốn đổ vào thị trường của nhà đầu tư cá nhân trong thời gian qua và hiện nay là từ tích lũy tiết kiệm - Ảnh: Mạnh Thắng.
Cuộc khảo sát của VnEconomy cho thấy đa s nhà đầu tư chứng khoán đang có sự chủ động cần thiết với nguồn vốn của mình.

Cuộc khảo sát trực tuyến được tiến hành khi Chỉ thị số 03 của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, một chính sách có tác động lớn đối với nguồn vốn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán hiện nay.

Khi Chỉ thị số 03 ban hành, nhiều e ngại tập trung vào khả năng một lượng vốn lớn sẽ rút khỏi thị trường khi các hợp đồng vay vốn ngân hàng thương mại lần lượt đáo hạn; theo đó, lượng hàng sẽ được nhiều nhà đầu tư đẩy ra đhồi vốn, tác động đến sự sụt giảm chung của thị trường.

Với câu hỏi: "Bạn là nhà đầu tư chứng khoán, nguồn vốn hiện tại của bạn đến từ đâu?", sau 3 tuần, VnEconomy đã nhận được trên 3.200 ý kiến tham gia của bạn đọc, nhà đầu tư (tính đến 20h ngày 30/7/2007) và kết quả tổng kết là khá bất ngờ:

- Tích lũy từ tiền tiết kiệm: 40.90 % (1302)

- Từ vốn vay ngân hàng thương mại: 14.92 % (475)

- Tích lũy từ hoạt động sản xuất, kinh doanh: 13.89 % (442)

- Từ những nguồn khác: 11.53 % (367)

- Từ lợi nhuận tích lũy qua quá trình đầu tư chứng khoán: 10.40 % (331)

- Luân chuyển vốn từ các lĩnh vực đầu tư khác: 8.36 % (266)

Nhìn vào kết quả trên, có thể thấy chiếm phần lớn lượng vốn đổ vào thị trường của nhà đầu tư cá nhân trong thời gian qua và hiện nay là từ tích lũy tiết kiệm (chiếm 40,9%). Đây là nguồn vốn bền vững và ý nghĩa đối với thị trường, cho thấy tiềm năng vốn trong dân cư còn đang rất lớn.

Tỷ lệ trên cũng là một thông số để các ngân hàng thương mại tham khảo và… lo ngại, bởi trước khi thị trường chứng khoán phát triển, hấp dẫn đầu tư, nguồn vốn trên là một hậu thuẫn lớn cho hoạt động huy động của họ. Nhưng nay, nguồn vốn đó đã năng động hơn, biết tìm đến những khả năng sinh lời lớn hơn và dẫn đến sự chia sẻ tất yếu.

Với nguồn vốn từ tích lũy tiết kiệm, nhà đầu tư hoàn toàn chủ động trong định hướng đầu tư của mình, đặc biệt cần thiết cho những quyết định dài hạn, tránh được áp lực trả lãi và đáo hạn thay vì từ nguồn vay.

Cũng có được sự chủ động đó, gần 14% nhà đầu tư cho biết nguồn vốn của họ được tích lũy từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây có thể là những chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể và nguồn vốn có khả năng tích tụ lớn. Ở đây, thị trường chứng khoán vừa là môi trường nảy sinh cơ hội cho họ kiếm lời, nhưng cũng là “kênh huy động” vốn phục vụ cho các dự án kinh doanh của họ.

Điểm đáng chú ý trong kết quả khảo sát là có 10,4% nhà đầu tư đã tích lũy vốn ngay từ lợi nhuận mà thị trường chứng khoán mang lại. Ở đây, sự ưu việt của thị trường chứng khoán trong khả năng sinh lời so với các kênh đầu tư khác được chứng minh.

Nếu đầu tư vào vàng, gửi tiết kiệm hay bất động sản, nhà đầu tư cần vốn lớn và mất nhiều thời gian. Nhưng nếu đầu tư vào chứng khoán, lợi nhuận có thể tích lũy một cách nhanh chóng.

Cuối năm 2006, đầu 2007, thị trường đã từng xuất hiện những tỷ phú khởi nghiệp chỉ từ vài chục triệu đồng. Tất nhiên, khả năng này chỉ rõ nét ở thời nóng sốt, nhiều cơ hội; còn ở kỳ điều chỉnh dài và sâu như hiện nay, khả năng tích lũy lợi nhuận còn đi cùng với yêu cầu cao về năng lực của nhà đầu tư.

Ngoài ra, vốn vào chứng khoán thời gian qua còn là sự dịch chuyển từ các kênh đầu tư khác, từ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, từ bất động sản, thị trường vàng… Đây là những nguồn vốn năng động, chiếm tỷ lệ khá lớn (8,36% theo phạm vi khảo sát), cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán trong thời gian qua là rất lớn.

Trên thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư vàng, bất động sản đã chuyển hẳn sang đầu tư chứng khoán. Họ đã thấy được một kênh đầu tư đa dạng hơn, có tính thanh khoản cao hơn.

Điểm mà cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý thị trường quan tâm nhất là nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại để vào chứng khoán đang ở mức độ nào. Từ đây, có th gián tiếp nhận định ảnh hưởng từ chủ trương rút vốn theo Chỉ thị số 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo kết quả khảo sát, một tỷ lệ khá lớn (gần 15%) nhà đầu tư cho biết vốn của họ chủ yếu từ vay ngân hàng. Với hạn hồi vốn từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh thị trường điều chỉnh như hiện nay, đó là một áp lực, tác động lớn tới diễn biến chung của thị trường. Và sau khi hợp đồng vay đáo hạn, điểm tựa vốn để họ tiếp tục đầu tư liệu có vững chắc, hay thị trường sẽ chứng kiến những cuộc chia tay sớm sủa?

Trả lời câu hỏi này, nhiều nhà đầu tư, kể cả đại diện một số ngân hàng thương mại, khi trao đổi với VnEconomy vẫn hy vọng rằng Chỉ thị số 03 sẽ được thay đổi, nhất là ở hạn mức 3% tổng dư nợ. Nhưng e rằng, đó là một khả năng gần như skhông xẩy ra.