10:28 06/06/2008

Vòng đàm phán Doha vẫn còn nhiều bất đồng

Quốc Trung

Vòng đàm phán Doha yêu cầu các nước phát triển sẽ cắt giảm trung bình 54% thuế nhập khẩu và các nước đang phát triển giảm 36% đối với nông sản

Trợ cấp nông nghiệp là một trong những vấn đề nan giải nhất của vòng đàm phán Doha.
Trợ cấp nông nghiệp là một trong những vấn đề nan giải nhất của vòng đàm phán Doha.
Phát biểu tại Geneva ngày 1/6, Giám đốc WTO Pascal Lamy bày tỏ hy vọng, với đề xuất mới liên quan đến nông nghiệp và công nghiệp, vòng đàm phán Doha có thể sớm kết thúc. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên WTO còn đang bất đồng và nghi ngờ về “bước đột phá” của vòng đàm phán này.

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy, yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) thể hiện sự mềm dẻo và linh hoạt hơn trong tiến trình đàm phán.

Hy vọng vòng đàm phán sớm kết thúc

Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi WTO công bố các đề xuất mới về nội dung dự thảo thỏa thuận liên quan đến nông nghiệp và công nghiệp trong nỗ lực tháo gỡ những bế tắc lâu nay đã cản trở vòng đàm phán Doha. Dự thảo thỏa thuận mới yêu cầu các nước phát triển sẽ cắt giảm trung bình 54% thuế nhập khẩu và các nước đang phát triển giảm 36% đối với nông phẩm.

Về trợ cấp nông nghiệp, EU sẽ phải giảm 75%-85%, Nhật Bản giảm 66% và Mỹ giảm 73%. Trong lĩnh vực công nghiệp, khoảng 30 thị trường đang nổi lên sẽ phải giảm thuế nhập khẩu hàng công nghiệp xuống mức tối đa còn 26%. Nhiều nước chỉ trích dự thảo mới này không có nhiều thay đổi so với trước đó.

Ông Pascal Lamy đã hy vọng rằng, vòng đàm phán thương mại Doha "đang tiến dần tới giai đoạn kết thúc". Theo ông, giá lương thực leo thang tạo đòn bẩy cho các nhà thương lượng của WTO đi đến một thỏa thuận toàn cầu. Thỏa thuận này sẽ làm giảm chi phí lên cao thông qua việc dỡ bỏ các hàng rào thương mại. Động thái này là một lý do nữa để khẩn cấp kết thúc các cuộc thương lượng của vòng đàm phán Doha, và điều này có thể làm được.

Vòng đàm phán thương mại đa phương Doha được khởi động tại thủ đô của Qatar từ tháng 11/2001, song đến nay vẫn bế tắc, chủ yếu do những bất đồng của các nước thành viên. WTO đặt mục tiêu hoàn tất vòng đàm phán này vào cuối năm nay. Nhiều nước thành viên WTO đang tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán và mong vòng đàm phán này sớm kết thúc.

Nhiều thành viên phản đối dự thảo sửa đổi

Ngày 1/6, Hội nghị bộ trưởng thương mại các nước Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-TBD (APEC) tại Peru, cũng đã thông qua dự thảo tuyên bố về chương trình nghị sự nhằm thúc đẩy các vòng đàm phán Doha. Tuyên bố nhấn mạnh, các vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO, sẽ đóng vai trò quan trọng giúp thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.

Tuy nhiên, một số nước thành viên chủ chốt của WTO lại tỏ ra chưa hài lòng với các đề xuất sửa đổi nội dung dự thảo thỏa thuận liên quan vấn đề nông nghiệp và công nghiệp; đồng thời tỏ ý nghi ngờ về khả năng đạt được bước đột phá có thể đưa vòng đàm phán Doha sang một giai đoạn mới mang tính quyết định.

Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab cho rằng các dự thảo mới là đáng thất vọng. Cả giới doanh nghiệp và nông dân ở Mỹ và EU đều đã lên tiếng phản đối, cho rằng các sửa đổi này vẫn chưa đủ mạnh để có thể khiến các nước đang phát triển như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ... mở cửa thị trường. Bộ trưởng Nông nghiệp Canada cho biết, nước này "đặc biệt lo ngại" về các đề xuất mới trong thỏa thuận dự thảo sửa đổi, do một số điều khoản "chưa đáp ứng được quyền lợi của Canada”.

Tại Đức, tổ chức BDI đại diện cho các doanh nghiệp còn cho rằng các đề xuất mới này càng khiến mục tiêu kết thúc vòng đàm phán Doha trở nên khó khăn hơn. Hiệp hội nông dân châu Âu cho rằng, với các đề xuất trong thỏa thuận dự thảo, ngành nông nghiệp châu Âu sẽ bị mất ít nhất 30 tỷ Euro mỗi năm mà không thể bù lỗ từ ngành công nghiệp hay dịch vụ.

Đại diện nhóm các nước đang phát triển G-20 là Brazil cho rằng các đề xuất mới của EU và Mỹ về các mức trợ cấp nông nghiệp và thuế nhập khẩu là một bước đi đúng hướng, song vẫn chưa đủ để có thể tiến tới một thỏa thuận tự do buôn bán toàn cầu.

Theo kế hoạch, đại diện các nước thành viên WTO sẽ có cuộc họp không chính thức cấp bộ trưởng tại Paris (Pháp) vào ngày 5/6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), để thảo luận tiếp về tương lai của vòng đàm phán Doha.