VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 19.700 tỷ đồng
Nếu tăng vốn thành công theo kế hoạch trên, vốn điều lệ của VPBank sẽ đạt hơn 45.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VietinBank...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB).
Theo đó, VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 19.758 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Hội đồng quản trị VPBank đã thông qua việc triển khai phương án tăng vốn. Ngân hàng này dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 62,15% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17,85%. Tổng tỷ lệ chi trả là 80%, tương đương việc phát hành thêm 1,97 tỷ cổ phiếu.
Nguồn vốn phát hành là từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với tổng giá trị gần 19.758 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021. Số cổ phiếu được phát hành thêm không hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn lực để VPBank tăng vốn với tỷ lệ cao một phần đến từ việc thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng. Cuối tháng 4, ngân hàng này và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) đã ký thỏa thuận bán 49% vốn tại FE Credit. Mức định giá FE Credit là 2,8 tỷ USD, với giá trị thương vụ bán cổ phần đạt 1,37 tỷ USD.
Hiện vốn điều lệ của VPBank ở mức 25.300 tỷ đồng. Như vậy, nếu tăng vốn thành công theo kế hoạch trên, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt hơn 45.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VietinBank.
Được biết, bên cạnh việc chia cổ tức, VPBank cũng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông nước ngoài. Theo đó, trong tương lai gần, VPBank có thể tiến tới ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB đang trong giai đoạn hồi phục. Chốt ngày 17/9, thị giá dừng ở mức 67.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường theo đó vào khoảng 165.470 tỷ đồng.