16:53 25/03/2024

Vụ hệ thống VnDirect bị "sập" không thể giao dịch, nhà đầu tư được đòi bồi thường?

Tuệ Lâm

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo lắng với số dư tiền đang để ở tài khoản chứng khoán VnDirect và lo sợ bị lộ thông tin tài khoản cá nhân bị lộ ra ngoài... 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, hệ thống bảng điện, website của Công ty CP Chứng khoán VnDirect bị đánh sập từ ngày chủ nhật 24/3 khiến hôm nay nhà đầu tư không thể truy cập được giao dịch mua bán, rút tiền. Ghi nhận đến hết phiên chiều 25/3, vẫn không thể vào được bảng điện trong bối cảnh thị trường bắt đầu cẩn trọng với lỗi hệ thống giao dịch của VnDirect.

VN-Index đã điều chỉnh mất hơn 15 điểm. Nhiều nhà đầu tư có tài khoản giao dịch tại VnDirect bày tỏ lo lắng sốt ruột. Chị H.Lan nói: "Từ sáng đến giờ không thể vào được bảng điện, tôi muốn rút tiền ra có việc cho gia đình nhưng không thể lấy được. Ngoài ra, cũng muốn bán bớt hạ tỷ trọng nhưng đành chịu phải chờ, hi vọng thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ rồi tiếp tục đi lên". 

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo lắng với số dư tiền đang để ở tài khoản chứng khoán và lo sợ bị lộ thông tin tài khoản cá nhân ra ngoài. 

Một chuyên gia được đề nghị giấu tên cho biết, thông tin khách hàng sẽ bị lộ. Còn về số dư tiền về nguyên tắc vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng không bị ảnh hưởng. 

Chuyên gia này nói thêm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo các công ty chứng khoán phải tách bạch tiền của công ty chứng khoán và của nhà đầu tư. Trong đó, tiền nhà đầu tư phải để ngân hàng. Đối với hệ thống công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau việc tách bạch rất dễ. Các công ty chứng khoán nước ngoài hầu hết cũng đều tách bạch, tuy nhiên vẫn có đâu đó một số công ty chứng khoán không tách bạch số tiền này dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.

Khi để xảy ra sự cố, trong trường hợp gây thiệt hại cho nhà đầu tư, có được quyền đòi bồi thường hay không?

Trả lời câu hỏi này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, về lý nhà đầu tư được phép yêu cầu đòi bồi thường nhưng để thực hiện thì rất khó. Bồi thường bao nhiêu, chứng minh thiệt hại như thế nào quả thực rất khó định lượng. "Anh nói không bán được sẽ bị thiệt hại nhưng biết đâu không bán để đó ngày sau lại được giá? Nếu bán ra mã này mua vào mã khác thua lỗ thì sao? Những thiệt hại này chỉ là suy diễn tưởng tượng. Nếu chắc chắn thiệt hại tính ra được ví dụ đặt lệnh rồi bị out thì mới cãi được chứ định mua hay bán thì rất khó xác định thua thiệt", Luật sư Trương Anh Đức nói.  

Cũng theo vị này, việc để sự cố xảy ra với hệ thống chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, sau này dễ diễn ra tình trạng nhà đầu tư sẽ chuyển sang các công ty chứng khoán khác nhằm đảm bảo an toàn hơn. 

Nguyên tắc là công ty chứng khoán cũng phải có hệ thống dự phòng nhằm trường hợp bị tấn công thì sẽ chạy song song hệ thống còn lại để đảm bảo tính liên tục giao dịch. 

Theo đó, tại Điều 20 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, khi cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, Công ty chứng khoán có nghĩa vụ đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu của hệ thống; có hệ thống dự phòng, phương án thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố.

"Mặc dù quy định rõ ràng, công ty chứng khoán cũng có hệ thống dự phòng nhưng khi cả hai hệ thống đều bị tấn công thì cả khách hàng và công ty chứng khoán đều bị thiệt hại. Nếu lý do sập khách quan bất khả kháng thì VnDirect không bị phạt nhưng nếu do thiếu trách nhiệm, vận hành lỗi chủ quan thì có thể bị phạt. Còn phạt bao nhiêu thì cũng phải xem lại mức độ...", Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh. 

Vụ hệ thống VnDirect bị "sập" không thể giao dịch, nhà đầu tư được đòi bồi thường?  - Ảnh 1

Cập nhật ở thời điểm hiện tại, không chỉ VnDirect, hai công ty liên quan khác là Bảo hiểm Bưu điện PTI và Công ty TNHH MTV quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A cũng bị tấn công. Cả PTI và IPAAM đều có liên quan tới VNDirect.

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông tin để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch, HNX tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Công ty Chứng khoán VnDirect tới sở.

Thời gian kể từ ngày 25/3 cho đến khi công ty này khắc phục được hoàn toàn sự cố. Bên cạnh đó, HNX cho biết các thành viên khác của thị trường vẫn kết nối và giao dịch bình thường.