16:39 10/06/2024

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hàng tỷ USD được chuyển ra nước ngoài trót lọt

Theo kết luận, trước thời điểm khởi tố vụ án, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về không nằm trong danh sách “đen”, là đối tượng bị điều tra truy tố xét xử, không nằm trong danh sách cảnh báo của NHNN và của các quốc gia khác…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 bị can về các tội danh khác nhau gồm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

VẬN CHUYỂN HƠN 4,5 TỶ USD QUA BIÊN GIỚI

Theo kết luận, dưới sự chỉ đạo của bà Lan, các đối tượng thuộc Vạn Thịnh Phát đã câu kết với nhân viên SCB chuyển tiền quốc tế thông qua việc lập khống 3 dạng hợp đồng gồm hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; hợp đồng vay tiền; hợp đồng tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty ở nước ngoài.

Điểm chung đây đều là hợp đồng khống để hợp thức việc chuyển và nhận tiền ra nước ngoài và về Việt nam. Các pháp nhân nhận/chuyển tiền là các công ty “ma”.

Trong đó, có 21 công ty liên quan đến hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài như: Công ty Golden Hill, Công ty Blue Pearl, Công ty VinaLand Việt Nam, Công ty CapitalLand Tower…

 

Các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự; chứng từ thuế…

Các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam cũng bị thiếu thông tin về mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa nhưng các đối tượng có thẩm quyền vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Kết luận thể hiện, hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài kéo dài trong 10 năm, từ năm 2012-2022. Các bị can thực hiện 107 giao dịch chuyển tiền đi và 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài. Tổng số tiền bị quy kết vận chuyển tiền trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD.

Bà Lan khai, tiền nhận từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là tiền vay, còn tiền chuyển ra nước ngoài là tiền trả nợ.

Các bị can giúp sức gồm Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) bị quy buộc vận chuyển hơn 11.998 tỷ đồng; Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch SCB) hơn 712 tỷ đồng… Ngoài ra, còn có 2 bị can người nước ngoài là Chen Yi Chung (quốc tịch Hồng Kông - Trung Quốc) chuyển hơn 16.000 tỷ đồng và Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Vương Quốc Anh và Bắc Ireland) hơn 34.000 tỷ đồng.

Hiện Chen Yi Chung và Chiu Bing Keung Kenneth đã xuất cảnh, không rõ đang ở đâu. Đến nay chưa có kết quả yêu cầu tương trợ tư pháp. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.

CÁC CÔNG TY KHÔNG THUỘC “DANH SÁCH ĐEN”

Kết luận điều tra thể hiện, căn cứ Luật Phòng chống rửa tiền, từ năm 2012-2022, SCB đã báo cáo các giao dịch lớn, các giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế, các giao dịch đáng ngờ được thực hiện qua ngân hàng. Các báo cáo này được gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN).

Trong đó, SCB cũng báo cáo 107 giao dịch chuyển tiền đi và 152 giao dịch nhận tiền về tại 146 báo cáo bằng hình thức điện tử.

Trong 10 năm này, không có cơ quan quản lý Nhà nước nào tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các khách hàng đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua biên giới nói trên.

Theo quy định, Cục Phòng chống rửa tiền có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các tổ chức theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Cơ quan này cũng có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin khác nghi ngờ liên quan phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Sau khi tiếp nhận, Cục Phòng chống rửa tiền có trách nhiệm phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền.

Từ năm 2012-2022, Ngân hàng SCB đã thực hiện báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền về các giao dịch chuyển tiền điện tử từ 1.000 USD trở lên. Tổng số file báo cáo là 3.160 với 313.705 giao dịch chuyển đi, nhận về. Ngoài ra, còn có 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Kết luận điều tra cho thấy, trước thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về không nằm trong danh sách “đen”, là đối tượng bị điều tra truy tố xét xử, không nằm trong danh sách cảnh báo của NHNN và của các quốc gia khác…

Do đó, Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định hơn 313.000 giao dịch chuyển tiền điện tử có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Còn 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ mà Ngân hàng SCB gửi lên, không có danh sách các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền đi, nhận tiền về nên Cục không có cơ sở để phân tích, nghị ngờ.

Còn Vụ Quản lý ngoại hội chỉ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của các ngân hàng mà không có số liệu giao dịch cụ thể từng cá nhân, tổ chức.

Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp do Ngân hàng SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở phát hiệu sự bất thường trong việc chuyển tiền, nhận tiền nước ngoài.

Cơ quan điều tra kết luận không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền, Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng, công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về chuyển tiền quốc tế.

Xác minh tại Ngân hàng SCB xác định Kiểm toán nội bộ, Ban Kiểm soát SCB có trách nhiệm giám sát các giao dịch chuyển tiền lớn trên hệ thống Core Banking. Từ đó, kiến nghị cảnh báo các rủi ro, báo cáo HĐQT, Tổng giám đốc SCB.

Thực tế, Kiểm toán nội bộ, Ban Kiểm soát SCB có thực hiện giám sát và báo cáo hàng tháng đối với với các giao dịch chuyển tiền đi, nhận tiền. Các báo cáo nêu vấn đề hồ sơ pháp lý khách hàng không đúng, nhiều giao dịch thiếu hồ sơ chứng từ… và kiến nghị kiểm soát chặt chẽ hồ sơ chuyển tiển, lưu trữ chứng từ đầy đủ, thực hiện đúng quy định, hạn chế rủi ro tiềm ẩn về rửa tiền.

Tuy nhiên, họ không nhận được kết quả phản hồi đối với các báo cáo hàng tháng nói trên.

Trong khi đó, HĐQT Ngân hàng SCB không giao cho thành viên HĐQT nào quản lý, chỉ đạo, chịu trách nhiệm đối với mảng chuyển tiền quốc tế.