17:44 29/04/2021

Vừa bán vốn công ty con, VPBank có thể bán tiếp vốn của ngân hàng mẹ

Mặc dù nguồn vốn rất dồi dào nhưng Chủ tịch VPBank vẫn cho biết đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài...

Chiều ngày 29/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Tại đại hội, VPBank trình cổ đông thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng của ngân hàng cho SMBC FC – Nhà đầu tư Nhật Bản, đồng thời chuyển nhượng 1 % vốn cho Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Theo đó, VPBank sẽ chỉ còn sở hữu 50% tại công ty tài chính này.

Thực ra, tại đại hội năm ngoái, ngân hàng đã đưa tờ trình về việc bán vốn này và được thông qua. Trong ngày hôm qua (28/4), lễ ký thoả thuận giữa VPBank và SMBC cũng đã được diễn ra với giá trị thương vụ ước khoảng 1,4 tỷ USD, tức FE Credit định giá 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, tại đại hội hôm nay, VPBank lại trình lại.

Có khá nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến thương vụ bán vốn này như tại sao lại bán vốn cho cổ đông chiến lược chứ không phải IPO; bán vốn có ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận ngân hàng; lợi nhuận thu về từ bán vốn ngân hàng sẽ làm gì…

Trả lời các câu hỏi trên, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, khi lựa chọn bán vốn, ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra 2 phương án gồm IPO sau đó niêm yết hoặc bán vốn cho cổ đông chiến lược.

“Tại phương án IPO thì định giá của FE Credit có thể còn cao hơn, thậm chí lên tới 4 tỷ USD. Song chúng tôi quyết định hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản để tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm của họ nhằm phát triển công ty đạt những tầm cao mới”, ông Dũng chia sẻ.

Đồng thời, vị chủ tịch cũng khẳng định rằng, không phải VPBank bán đi “con gà đẻ trứng vàng” mà vẫn nắm giữ 50% vốn. Do đó, lợi nhuận của công ty này vẫn được hạch toán vào báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng.

"Khả năng năm 2021 hoặc trong 2 năm đầu thì lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể giảm một chút hoặc không tăng nhưng về dài hạn, FE Credit sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng", lãnh đạo VPBank nói.

Nói về lợi nhuận thu về từ việc bán vốn, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, số vốn thu về sẽ giúp ngân hàng mẹ có thêm nguồn lực phát triển, vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 dự kiến lên tới 90.000 tỷ đồng, hệ số CAR sẽ vượt qua 20%. "Đến năm 2022, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng", ông Vinh tiết lộ.

Đáng chú ý, mặc dù nguồn vốn rất dồi dào nhưng Chủ tịch VPBank vẫn cho biết đang lên kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, có thể thực hiện cuối năm nay. Thậm chí, ngân hàng còn có thể dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ đang có để bán cho đối tác nước ngoài.

Cũng tại đại hội, ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức năm 2020. Thay vào đó giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích quỹ bắt buộc gần 8.852 tỷ đồng nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng trình cổ đông hai phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Với phương án sử dụng cổ phiếu quỹ, hiện VPBank có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ, ngân hàng dự kiến dùng 15 triệu cổ phiếu trong số đó được dự kiến bán ra với giá ưu đãi bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình ESOP. Hơn 60 triệu cổ phiếu quỹ còn lại dự kiến phát hành cho các nhà đầu tư mới vào các thời điểm thích hợp.

Với phương án phát hành mới, ngân hàng cũng kế hoạch giới hạn số lượng cổ phiếu phát hành là 15 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ phát hành 0,593%). Sau phát hành, vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng tối đa thêm 150 tỷ đồng, lên gần 25.450 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, VPBank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm trước; tổng tài sản đạt 491.886 tỷ đồng, tăng 17,4%; dư nợ tín dụng kế tăng 16,6%.