Vừa "lỡ chuyến tàu nâng hạng", cổ phiếu nhóm chứng khoán còn triển vọng?
Cổ phiếu chứng khoán không chỉ trông đợi vào kỳ vọng nâng hạng thị trường. Một số mã đầu ngành định giá còn thấp, dư địa tăng trưởng nhờ câu chuyện nâng hạng vẫn còn nguyên. Trong khi đó, một số cổ phiếu khác đã tăng cao...
Thị trường có mức tăng tốt về cả giá và thanh khoản trong 9 tháng năm 2024, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh nhóm ngành Chứng khoán. Tính đến ngày 24/09/2024, VN-Index đạt 1.285 điểm, tăng 14% từ đầu năm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 19.942 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến thị trường thuận lợi cùng thanh khoản cải thiện là nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp ngành Chứng khoán có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 vừa qua. Một số doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh quý 3 cũng ghi nhận tăng trưởng cao.
Công ty Chứng khoán VIX (VIX) đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024. Theo đó, trong quý 3/2024, VIX ghi nhận doanh thu hoạt động 553,7 tỷ đồng, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 324,7 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của VIX đạt 1.293,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 681,5 tỷ đồng.
Chứng khoán MBS cũng báo cáo doanh thu hoạt động quý 3 của MBS đạt hơn 95 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ; lãi sau thuế gần 180 tỷ đồng, tăng 8%. Trong đó, MBS báo lãi 45,5 tỷ đồng từ tự doanh, gấp 2,25 lần cùng kỳ. Đối với hoạt động cho vay, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của Công ty tăng 44%, đạt 266,3 tỷ đồng. Mảng môi giới kỳ này lại không ghi nhận tăng trưởng doanh thu khi giảm tới 38% còn 132,8 tỷ đồng.
Chứng khoán KBSV bày tỏ kì vọng thị trường vẫn duy trì tích cực về giá và thanh khoản trong quý 4 năm 2024 và 2025. Qua đó tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của nhóm ngành chứng khoán trong năm 2024-2025 dựa trên định giá thị trường vẫn đang ở mức hợp lý với PE forward 2024 đạt 14,8x, thấp hơn 11% so với mức trung bình PE 10 năm của VN-Index là 16,6x;
Thanh khoản thị trường dự báo tiếp tục cải thiện trong phần còn lại của năm 2024 và 2025 nhờ nền lãi suất thấp. Các động thái giảm lãi suất toàn cầu giúp áp lực tỷ giá được giải tỏa cùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao, hỗ trợ nền kinh tế là động lực để hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục duy trì nền lãi suất huy động thấp, qua đó tăng nhu cầu đầu tư chứng khoán khi kênh tiền gửi không đem lại lợi nhuận đủ hấp dẫn.
Quy định mới về no-prefunding đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong thông tư 68/2024 sửa đổi có tác động tích cực đến quá trình nâng hạng thị trường.
Theo đánh giá của KBSV, trong ngắn hạn, Việc áp dụng No-prefunding sẽ giúp tăng vòng quay giao dịch và tính linh động trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, đóng góp phí của giao dịch khối ngoại chỉ hơn 2% vào tổng lợi nhuận của công ty chứng khoán, dẫn tới tác động của no-prefunding đến lợi nhuận các công ty chứng khoán trong ngắn hạn là không đáng kể.
Về dài hạn, việc áp dụng No-prefunding giúp chứng khoán Việt Nam tiến thêm 1 bước quan trọng trong việc xem xét Nâng hạng thị trường của FTSE Rusell, thỏa mãn 2 điều kiện còn thiếu là chuyển giao đối ứng thanh toán và xử lý các giao dịch thất bại. Trong trường hợp được nâng hạng trong đợt review tháng 3/2025, thời gian chính thức có hiệu lực khoảng 6-12 tháng từ ngày thông báo thì Việt Nam sẽ chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong giai đoan tháng 9/2025 – 3/2026.
Nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút thêm dòng vốn ngoại đến với thị trường Việt Nam do danh mục của các quỹ đầu tư toàn cầu được tái phân bổ tỷ trọng cao hơn sang Việt Nam sau khi được nâng cấp.
Từ những phân tích trên, KBSV đánh giá tích cực đối với triển vọng ngành chứng khoán. Nhà đầu tư có thể xem xét và lựa chọn đầu tư nhóm cổ phiếu chứng khoán đầu ngành như VCI, SSI, HCM là nhóm hưởng lợi vượt trội từ diễn biến tích cực của thị trường và câu chuyện nâng hạng thị trường nhờ nguồn vốn lớn và kinh nghiệm trong mảng khách hàng tổ chức. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu này hiện vẫn đang được giao dịch ở vùng giá hợp lý, trong khoảng trung bình P/B 5 năm.
Đối với nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán cỡ trung đã có nhịp tăng mạnh và đang giao dịch ở vùng trên của std+1 của trung bình P/B 5 năm, nhà đầu tư ưu tiên giải ngân tại các nhịp điều chỉnh sâu và cần theo dõi chặt chẽ hiệu quả danh mục đầu tư của các mã này.