Vừa tuyên độc lập, Catalonia bị Tây Ban Nha sa thải hết chính quyền
Cuộc khủng hoảng Catalonia đã đạt một ngưỡng cao và nguy hiểm mới
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 27/10 đã sa thải toàn bộ chính quyền và nghị viện Catalonia, chỉ vài giờ sau khi vùng này tuyên bố độc lập. Diễn biến này đẩy cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất 4 thập kỷ của Tây Ban Nha lên một ngưỡng cao mới.
Theo tin từ Reuters, trong bài phát biểu trên truyền hình vào một ngày với những sự kiện đầy kịch tính, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố một cuộc bầu cử vùng sẽ được tổ chức tại Catalonia vào ngày 21/12 nhằm thành lập một chính quyền mới.
Ngoài việc cách chức ông Carles Puigdemont khỏi cương vị người đứng đầu Catalonia, ông Rajoy còn sa thải cảnh sát trưởng của vùng này, đồng thời cho biết các bộ thuộc Chính phủ ở Madrid sẽ giành quyền tiếp quản chính quyền Catalonia.
"Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn", ông Rajoy nói. "Chúng tôi tin rằng việc lắng nghe tiếng nói của toàn thể người dân Catalonia là một việc cấp bách, để họ có thể quyết định tương lai của chính họ và không ai có thể nhân danh họ mà làm việc trái pháp luật".
Trong lúc Thủ tướng Tây Ban Nha phát biểu, hàng nghìn người ủng hộ Catalonia độc lập tập trung bên ngoài quảng trường Sant Jaume trước trụ sở chính quyền ở Barcelona. Tâm trạng vui mừng của họ sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập đã nhanh chóng bị phá vỡ bởi hành động của Chính phủ ở Madrid.
Trong một động thái bất chấp những lời cảnh báo của Madrid, nghị viện Catalonia vào buổi chiều ngày thứ Sáu đã bỏ phiếu thông qua quyết định đơn phương tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, động thái này nhanh chóng trở thành vô nghĩa khi Madrid tước quyền tự trị của Catalonia và giành lại quyền kiểm soát xứ này.
Nhiều quốc gia châu Âu, gồm Pháp và Đức, cùng Mỹ cũng bác bỏ tuyên bố độc lập của Catalonia và nói ủng hộ những nỗ lực của Thủ tướng Rajoy nhằm bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng Catalonia đã đạt một ngưỡng cao và nguy hiểm mới, bởi những người ủng hộ ly khai đã kêu gọi một chiến dịch bất tuân các yêu cầu của Madrid. Cổ phiếu và trái phiếu Tây Ban Nha cùng bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư về những diễn biến ở Catalonia.
Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập vào hôm 1/10, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 42%, nhưng có 90% số phiếu chọn ly khai. Ngay từ đầu, cuộc bỏ phiếu này đã bị Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp nước này tuyên bất hợp pháp.
Cuộc trưng cầu dân ý đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi nước này lập lại nền dân chủ vào giữa thập niên 1970. Không chỉ gây chia rẽ sâu sắc ở Catalonia, cuộc khủng hoảng có khiến hàng loạt doanh nghiệp tháo chạy khỏi vùng này. Các nhà lãnh đạo châu Âu thì lo ngại cuộc khủng hoảng có thể thổi bùng các phong trào ly khai vốn đang âm ỉ ở nhiều quốc gia trong khu vực.
Catalonia là một trong những vùng giàu có nhất của Tây Ban Nha và được trao quyền tự trị ở mức cao. Tuy nhiên, vùng này có nhiều vấn đề lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn cai trị Tây Ban Nha của nhà độc tài Franco từ 1939-1975. Trong khoảng thời gian đó, văn hóa và chính trị của Catalonia bị đàn áp.
Hiện chưa rõ cuộc bầu cử mà Chính phủ Tây Ban Nha dự định tổ chức vào tháng 12 ở Catalonia có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng. Không loại trừ khả năng cuộc bầu cử này sẽ dẫn tới việc có thêm nhiều nghị sỹ ủng hộ ly khai trong nghị viện vùng.
Và cũng chưa rõ liệu các biện pháp kiểm soát Catalonia của ông Rajoy có thể được thực thi như thế nào, bởi điều này còn tùy thuộc vào phản ứng của các công chức và cảnh sát vùng - lực lượng được cho là đang có sự chia rẽ lớn.
Nghị viện Catalonia, nhóm ly khai chính, đã kêu gọi công chức của vùng không tuân thủ mệnh lệnh của Chính phủ Tây Ban Nha và thay vào đó, thực hiện "sự phản kháng hòa bình".
Sau cuộc bỏ phiếu ở nghị viện Catalonia ngày 26/10, ông Puigdemont rời đi trong tiếng hô vang "Tổng thống!" của các nghị sỹ. "Catalonia là và sẽ là một vùng đất của tự do. Cả những khi khó khăn, và trong những cuộc ăn mừng. Hơn bao giờ hết!" ông Puigdemont viết trên mạng xã hội Twitter.
Catalonia đóng góp 1/5 GDP của toàn Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone. JPMogan Chase nói rằng do bất ổn ở Catalonia, ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng GDP Tây Ban Nha quý 4/2017 và quý 1/2018 xuống dưới mức 3,5% đạt được từ đầu năm đến nay.