“Vua” xuất khẩu Hồ tiêu: Nếu không sáng tạo thì con đường đến phá sản sẽ rất gần
Trong ngành nông sản, doanh nghiệp sáng tạo ra sản phẩm mới, 2 năm sau bị sao chép là chuyện thường. Vì vậy, doanh nghiệp phải sáng tạo ra cái khác, nếu không sẽ không tồn tại vì không đủ tiền trả lương
Đây là chia sẻ của ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phúc Sinh tại buổi ra mắt sản phẩm tiêu sấy lạnh K PEPPER lần đầu tiên tại Việt Nam.
"Nếu không sáng tạo ra sản phẩm mới con đường đến phá sản là rất gần"
Phúc Sinh là doanh nghiệp được thành lập năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến hàng nông sản như Tiêu, Cà phê, Ớt, Quế, Hồi, Bột nghệ… để xuất khẩu. Sau 18 năm hình thành và phát triển, tiêu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Phúc Sinh với sản lượng xuất khẩu khoảng 25.000 - 28.000 tấn/năm. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với nông dân tại Việt Nam, Phúc Sinh còn nhập khẩu tiêu từ Brazil đến Ấn Độ, Indonesia về chế biến để xuất khẩu.
Từ năm 2006 đến nay, Phúc Sinh là đơn vị đứng số 1 Việt Nam về xuất khẩu tiêu với 8% thị phần toàn cầu và được mệnh danh là "Vua" xuất khẩu Hồ tiêu Việt Nam.
Năm 2018, Phúc Sinh xuất khẩu 28.000 tấn tiêu đen và tiêu trắng và khoảng 25 tấn tiêu sấy lạnh K PEPPER. Doanh số 2019 ước tính sẽ đạt khoảng 220 triệu USD, trong đó 80 triệu USD là đến từ hạt tiêu, còn lại là cà phê, sản phẩm khác. Sản phẩm tiêu xuất khẩu của Phúc Sinh chủ yếu là tiêu tiệt trùng, tiêu đã qua chế biến.
Chia sẻ về hành trình phát triển và đưa hạt tiêu ra thế giới, ông Phan Minh Thông cho rằng: "Đối với ngành chế biến nông sản xuất khẩu doanh nghiệp phải luôn luôn sáng tạo, tìm đến các thị trường ngách. Vì doanh nghiệp có thể thành công trong quá khứ nhưng nếu doanh nghiệp không tiếp tục sáng tạo, sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay".
Phúc Sinh là công ty đầu tiên xuất khẩu tiêu trắng ra thế giới. Tiêu trắng là một trải nghiệm tuyệt vời trong 10 năm qua của Phúc Sinh. Ngay khi vừa ra đời, tiêu trắng đã mang đến thịnh vượng cho Phúc Sinh khi chỉ 2 năm sau Phúc Sinh đủ tiền đầu tư nhà máy mới quy mô lớn mà không cần dùng đến vốn vay của ngân hàng. Nhưng 2 năm sau đó, nhà nhà đã làm tiêu trắng. Và Phúc Sinh phát triển sản phẩm mới tiêu Jumbo, rồi đến sốt tiêu….. và năm 2018 ra mắt tiêu sấy lạnh.
"Năm 2012, khi xuất khẩu tiêu trắng sang Đức, trong một lần đến siêu thị ở Hamburg, Đức, tôi nhìn thấy sốt tiêu xanh. Và tôi nghĩ, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều tiêu ra thế giới nhưng chúng tôi lại không xuất khẩu sốt tiêu xanh như vậy. Và tôi đã mua những lọ sốt tiêu xanh đó về Việt Nam. Chúng tôi nghiên cứu R&D mất 2 năm. Sau 2 năm chúng tôi tự tin xây dựng nhà máy, đầu tư máy móc công nghệ để sản xuất xuất khẩu sốt tiêu xanh.
Năm 2014 nhà máy bắt đầu được xây dựng, năm 2015 chúng tôi có sản phẩm xuất khẩu. Từ năm 2015 đến năm 2019 Phúc Sinh là đơn vị duy nhất ở Việt Nam xuất khẩu sốt tiêu xanh. Năm 2017 khi chúng tôi nói chuyện với khách hàng thấy rằng, rau quả sấy lạnh khi để vào nước nó trở về nguyên trạng. Việc gì chúng tôi không làm tiêu sấy lạnh", ông Phan Minh Thông chia sẻ.
Theo ông Phan Minh Thông, trong ngành nông sản, doanh nghiệp sáng tạo ra một sản phẩm mới, 2 năm sau đã bị copy lại là chuyện bình thường. Vì vậy, doanh nghiệp phải sáng tạo ra cái khác. Nếu dừng lại doanh nghiệp sẽ không tồn tại vì không đủ trả lương.
Ngành nông nghiệp là ngành lấy công làm lãi, buộc doanh nghiệp phải sáng tạo, tìm đến thị trường ngách để phát triển. Thời kỳ thịnh vượng của mỗi dòng sản phẩm nông nghiệp được sáng tạo kéo dài khoảng 2 năm, sau đó sản phẩm sẽ bị sao chép. Nhà nhà làm tiêu trắng, làm tiêu jumpo, đến sốt tiêu… và sẽ đến tiêu sấy lạnh. Nếu đi sao chép chúng ta làm ăn rất vất vả và nếu làm như đại trà Phúc Sinh sẽ thua vì nhân viên của Phúc Sinh nhiều, vì vậy Phúc Sinh phải đầu tư rất nhiều cho phòng thí nghiệm.
"12 năm làm thí nghiệm, nhân viên phòng thí nghiệm của Phúc Sinh không phải làm màu, họ cực kỳ vất vả, nếu họ không sáng tạo ra sản phẩm thì con đường đến phá sản của Phúc Sinh là rất gần. Đó là lý do Phúc Sinh phải đầu tư sâu, chế biến và sáng tạo", vị chủ tịch trải lòng.
Xứng đáng để làm R&D
Năm 2018, một năm sau xây dựng nhà máy chế biến tiêu sấy lạnh, Phúc Sinh có sản phẩm tiêu sấy lạnh đầu tiên. Khách hàng đã đón nhận và đặt hàng ngay khi ra mắt. Năm 2018 ghi nhận Phúc Sinh xuất khẩu 25 tấn tiêu sấy lạnh.
Sản phẩm tiêu xanh sấy lạnh của Phúc Sinh xuất sang Mỹ, Bắc Mỹ, Đức và Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp và Ý. Năm nay Phúc Sinh bắt đầu bán tiêu xanh sấy lạnh ở thị trường nội địa.
Tiêu sấy lạnh K PEPPER là thành tựu đầu tư 50 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất của Phúc Sinh, trên nền tảng công nghệ sấy lạnh tiêu trắng mà Phúc Sinh đã thành công ở thị trường xuất khẩu. Tiêu xanh sấy lạnh là sản phẩm có hương vị giống như tiêu vừa hái trên cây xuống, đồng thời khi chạm vào nước, tiêu xanh sấy lạnh sẽ trở về lại như hạt tiêu bình thường. Tiêu xanh sấy lạnh không cần dùng chất bảo quản và trữ được 6 -18 tháng.
"Giá tiêu xanh sấy lạnh hiện ở mức gấp 6 lần giá tiêu đen tiệt trùng. Ở cùng thời điểm, giá tiêu đen xuất khẩu vào thị trường cao nhất là 2,5 USD/kg, giá tiêu sấy lạnh được 14-18 USD/kg. Khi chúng tôi bán được giá 14 - 18USD/kg tiêu xanh sấy lạnh chúng tôi thấy cũng xứng đáng để làm R& D", ông Phan Minh Thông chia sẻ.
Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu được giá cao hơn các nước khác
Hiện hồ tiêu Việt Nam đang chiếm 50 -55% thị phần trên thế giới, đã thống trị thị trường từ 2004 đến 2016, từ 2012 – 2016 giá tiêu Việt Nam cao ngất ngưỡng, có lúc lên đến 11.000 USD/tấn. Tuy nhiên, từ sau đó đến nay giá tiêu Việt Nam giảm do Brazil tăng trồng tiêu. Trong 3 năm trở lại đây, với lợi thế về đất đai và độ màu mở, Brazil đã tăng sản lượng từ 35.000 tấn lên 80.000 tấn.
"Nếu muốn giá tiêu tăng trở lại, Việt Nam nên cắt giảm sản lượng khoảng 50 -55%. Nhưng Việt Nam cũng trồng tiêu tràn lan, đến năm 2014 chúng ta có 200.000 ha đất trồng tiêu", "Vua" xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chia sẻ.
Tiêu của Việt Nam hiện vẫn được trả giá cao hơn tiêu của các nước khác như Brazil ở cùng thời điểm. Vì vậy, Việt Nam nhập tiêu Brazil, Indonesia rồi xuất đi vẫn có lời. Điều này có nghĩa Việt Nam làm tiêu tốt hơn Brazil, Indonesia.
Hơn nửa, theo ông Phan Minh Thông, tiêu Việt Nam đã có thương hiệu. Khi mà trên thế giới, người tiêu dùng nhìn thấy hạt tiêu là nhớ đến Việt Nam. Thậm chí ở Indonesia khách vẫn muốn đến Việt Nam để mua tiêu. Khách mua tiêu Brazil cũng nhớ đến Việt Nam.