15:53 03/08/2009

Vương Truyền Phú và giấc mơ năng lượng Trung Quốc

Lê Hường

Ông được xếp thứ 559 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn, với tổng tài sản là 1,3 tỷ USD

Vương Truyền Phú đã biến BYD thành một công ty có tầm cỡ quốc tế chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm.
Vương Truyền Phú đã biến BYD thành một công ty có tầm cỡ quốc tế chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm.
Cách đây 14 năm, khi thành lập công ty, Vương Truyền Phú không có đủ vốn để nhập khẩu một dây chuyền sản xuất pin tự động của Nhật Bản.

Ngày nay, Công ty BYD của ông là nhà sản xuất pin điện thoại lớn nhất thế giới với 30% thị phần và là nhà sản xuất pin sạc lớn thứ hai thế giới chuyên cung cấp cho các sản phẩm điện tử như máy tính xách tay.

Tháng 9/2008, doanh thu bán xe hơi của Công ty BYD lớn hơn bất cứ nhà sản xuất xe hơi nào của Trung Quốc. Năm 2009, ông được xếp thứ 559 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn với tổng tài sản là 1,3 tỷ USD.

BYD - “Bring you dollars”

Khi kết thúc bằng thạc sỹ tại Viện Nghiên cứu Phi kim Bắc Kinh năm 1990, Vương Truyền Phú đã từng nghĩ đến một cuộc sống bình lặng là một nhà nghiên cứu “ăn cơm” nhà nước. Niềm đam mê của ông là sản xuất được những loại pin tốt hơn cho các sản phẩm điện tử. “Mục tiêu của tôi là trở thành một kỹ sư giỏi”, Vương Truyền Phú nhớ lại.

Thế nhưng, Truyền Phú lại trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất Trung Quốc. Điều gì đã thay đổi con đường sự nghiệp của ông? Thiếu tiền cho việc nghiên cứu tại các trung tâm của chính phủ. “Làm việc gì cũng rất khó khăn”, ông nói.

Truyền Phú đã rời khỏi khu vực nhà nước và tự lập nghiệp năm 1995. Đấy cũng là thời điểm nhiều viên chức nhà nước Trung Quốc bỏ ra làm kinh doanh. Truyền Phú đã thành lập một công ty ở ngoại ô Thẩm Quyến, một thị trấn đang bùng nổ kinh tế, và ông đã bắt đầu sản xuất pin điện thoại di động và các sản phẩm điện tử khác. Truyền Phú đặt tên công ty là BYD Co. Ông nói rằng những chữ cái này không có ý nghĩa gì đặc biệt, mặc dù, cũng có lúc ông nói đùa rằng 3 chữ cái này có nghĩa là “bring you dollars – mang lại Đô la”.

Và dĩ nhiên là công ty này đã đem lại rất nhiều Đô la cho Chủ tịch Truyền Phú và các cổ đông của công ty. BYD là một trong ba công ty sản xuất pin sạc điện thoại di động lớn nhất thế giới. Sau cuộc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công vào năm 2002 trên sàn chứng khoán Hong Kong – Nasdaq, tại thời điểm đó, 28% cổ phần của Vương Truyền Phú trong công ty này đã có giá trị 306 triệu USD.

Cũng trong năm 2002, BYD đã kiếm được 80 triệu USD nhờ doanh thu bán hàng đạt 275 triệu USD và trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới và được đánh giá là nhà cung cấp pin uy tín cho tập đoàn Nokia và Motorola.

Truyền Phú hiện là chủ tịch của BYD - một công ty có 130.000 nhân viên. Ông vẫn ăn trưa tại căng tin và sống trong khu tập thể của BYD, cách sống của ông cũng chẳng khác mấy so với năm 1995 khi công ty này vẫn chỉ ở những bước đi đầu tiên vào thời điểm Vương Truyền Phú xấp xỉ tuổi 30.

Cách thức kinh doanh của BYD khác với cách thức kinh doanh của Sony và Sannyo, đó là, Truyền Phú thay thế hệ thống sản xuất tự động bằng nguồn nhân lực lớn của Trung Quốc. Tuyển dụng hàng ngàn lao động rẻ hơn lắp đặt các dây chuyền lắp ráp bằng rô bốt, và khoảng năm 2000, BYD đã trở thành nhà máy sản xuất pin điện thoại lớn nhất trên thế giới.

Truyền Phú không lãng phí thời gian. Mùa thu năm 2003, ông nói rằng các sản phẩm pin của BYD sẽ được trang bị cho 200 chiếc xe taxi ở thành phố Tây An – Trung Quốc. BYD đặt hy vọng vào một cuộc đột phá mạnh mẽ trong năm 2006. Không thực tế? Có lẽ là như thế, nhưng Truyền Phú tự nhận mình là một người mở đường. “Công nghệ tốt luôn đi ra từ những công ty tốt. Trước đây, các công ty Trung Quốc là những công ty 100% vốn nhà nước, và vì thế chúng ta không có những công ty tốt” – ông nói. Khi Trung Quốc cố gắng vượt qua ngưỡng cản là nhà sản xuất chi phí thấp để trở thành một nhà sản xuất sáng tạo, Truyền Phú hy vọng là người mở đường cho quá trình này.

Ông khẳng định lợi thế chính của Trung Quốc chính là quy mô thị trường và chất lượng nhân lực, 5 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp hàng năm, “nhiều hơn dân số của một số nước châu Âu” – ông nói. Và họ sẽ làm việc với mức lương thấp hơn nhiều so với những đối thủ cạnh tranh đến từ phương Tây và Nhật Bản.

BYD có 10.000 kỹ sư, một nửa trong số đó đóng góp vào quá trình sản xuất ôtô, và Truyền Phú nói rằng, ông sẽ có 30.000 kỹ sư ôtô trong một thập kỷ nữa. Các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản và Mỹ không thể đủ tiền để thuê từng đấy người, chi phí là quá cao. BYD tuyển dụng hầu hết các sinh viên vừa mới ra trường, đào tạo trong công việc cho họ được làm việc ngay tại xưởng sản xuất, tiếp xúc trực tiếp với công việc hàng ngày.

Sản xuất xe hơi thân thiện với môi trường

Từ nhà sản xuất pin điện thoại di động lớn nhất thế giới trở thành một công ty sản xuất ôtô, BYD là một công ty của Trung Quốc đã nổi tiếng trên thương trường quốc tế nhờ vào nhà sáng lập Vương Truyền Phú - một người đam mê làm việc và thành đạt. Vương Truyền Phú đã biến BYD thành một công ty có tầm cỡ quốc tế chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm.

Mục tiêu của Truyền Phú không chỉ là cung cấp pin cho các nhà sản xuất điện thoại. Tháng giêng năm 2003, ông công bố rằng BYD đang mua lại cổ phần chi phối của một công ty sản xuất ôtô của Trung Quốc. Tâm nguyện của ông là đưa công ty trở thành một “người chơi” cừ khôi trên thị trường xe hơi chạy bằng điện.

Thương vụ mua lại này đã khiến nhiều người giật mình, một số nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu của BYD và làm cho giá cổ phiếu này sụt giảm. Tuy nhiên, BYD đã lấy lại được niềm tin cho giới đầu tư. Truyền Phú vẫn luôn khẳng định rằng ngành ôtô chạy bằng điện có thể đảm bảo được sự tăng trưởng trong tương lai của công ty. Vượt qua hầu hết các đối thủ từ Đất nước Mặt trời mọc, “trong 3 năm, chúng tôi sẽ đạt được giới hạn cho sự tăng trưởng tương lai trong ngành sản xuất pin” – Truyền Phú giải thích.

Năm 2003, Vương bắt đầu bước vào ngành ôtô bằng cách mua lại một công ty ôtô Trung Quốc đang phá sản và hiện nay rất nhiều mẫu xe ôtô đang sử dụng ở Trung Quốc thuộc bản quyền sáng chế của BYD, bao gồm một loại xe hơi xăng – điện rẻ hơn dòng xe Toyota Prius đang dẫn đầu thị trường. Sự thành công của BYD đã thu hút sự chú ý của các nhà phân tích trong ngành công nghiệp này và các nhà đầu tư của phương Tây, bao gồm cả Warren Buffet. Tỷ phú người Mỹ này đã đầu tư 250 triệu USD vào BYD.

Mọi người đều đồng ý rằng thế giới cần những chiếc xe sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường hơn và Truyền Phú tin rằng ông là nhà cung cấp những chiếc xe này bằng cách kết hợp giữa chất xám và sự cần cù lao động của người Trung Quốc với tiền của Warren Buffet. Tháng 10/2008, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 7% - một trong những ngày tồi tệ nhất của Phố Wall – cũng là thời điểm nhà đầu tư đại tài Buffet đã mua đến 10% cổ phần của BYD.

BYD là công ty hàng đầu thế giới trong ngành sản xuất pin sạc và là một ngôi sao đang lên của ngành ôtô Trung Quốc. Vụ đầu tư của Buffet là một dấu hiệu rõ ràng cho việc ông đặt niềm tin vào Vương Truyền Phú - một kỹ sư đi kinh doanh – người có thể kết hợp pin và xe hơi để dẫn đầu một cuộc Cách mạng xanh trong lĩnh vực xe chạy bằng điện. Bước chuyển đổi này cũng làm dịch chuyển màu sắc trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, cổ phiếu BYD tăng giá 42%, trong khi cổ phần nắm giữ của Vương Truyền Phú là 25%.

Truyền Phú cũng không bằng lòng với việc chỉ cạnh tranh với thị trường xe xăng - điện ở Trung Quốc; ông muốn giữ được đà thăng tiếng của BYD và thúc đẩy công ty này trở thành một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới vào năm 2025. “Đó không phải là một tham vọng lớn.

Vào tháng giêng và tháng 2 năm 2009, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe ôtô lớn nhất thế giới. Dựa vào đó, Trung Quốc có thể bán được hơn 10 triệu chiếc xe ôtô trong năm nay. Vì thế, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Với những dòng xe năng lượng mới, Trung Quốc đang ở cùng hạng với những đất nước dẫn đầu khác. Lấy công nghệ làm đòn bẩy chúng tôi nghĩ rằng 10 năm là đủ”, Truyền Phú trả lời phỏng vấn của đài CNN.

Tuy nhiên, những vụ xì căng đan về sữa và đồ chơi nhiễm độc tố đã dội tiếng xấu lên danh tiếng của các sản phẩm Trung Quốc trên thị trường thế giới. “Các sản phẩm “Made in China” này khác với các sản phẩm “Made in China” khác. Không giống như nhiều sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, những sản phẩm của chúng tôi sẽ không bao giờ bị thu hồi. Với lập luận đó, có thể thấy rằng các sản phẩm do Trung Quốc thường tốt hơn sản phẩm được sản xuất tại những nơi khác. Một khi đã giữ được những chuẩn mực cao này, các công ty sản xuất của Trung Quốc hoàn toàn có thể đáp ứng được niềm tin của thị trường”, Truyền Phú nói.

Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề đáng chú ý về môi trường. Đây là đất nước có lượng khí nhà kính thải ra lớn nhất thế giới và Truyền Phú rất ý thức về việc là một doanh nhân cũng có nghĩa là có mắt quan sát về tác động của môi trưởng đến công việc kinh doanh của mình.

Truyền Phú nói: “Là một doanh nhân, tôi phải quan tâm đến cả 2 khía cạnh. Một là sự sáng tạo mô hình kinh doanh mới, hoặc đấu tranh với các đối thủ cạnh tranh mới. Phần thứ hai là trách nhiệm xã hội, làm trái đất chúng ta xanh hơn. Sự ô nhiễm trong thành phố, phụ thuộc vào xăng dầu và tác động của khí carbon dioxide thải ra môi trường, các doanh nghiệp cần quan tâm vì trách nhiệm xã hội”.