06:00 26/05/2025

Vượt khó khăn, thắng gian nan đưa cầu Phong Châu sớm về đích

Huỳnh Dũng

Sau sự cố sập cầu Phong Châu, tuyến huyết mạch của tỉnh Phú Thọ tê liệt. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và nỗ lực bền bỉ của những người lính, từng mét cầu đã và đang được dựng lại bằng kỷ luật “thép” và lòng quyết tâm...

Công trường xây dựng cầu Phong Châu, Phú Thọ. Ảnh: Tạ Hải
Công trường xây dựng cầu Phong Châu, Phú Thọ. Ảnh: Tạ Hải

Là công trình trọng yếu trên Quốc lộ 32C, cầu Phong Châu kết nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ. Sau sự cố sập cầu vào tháng 9/2024 do mưa lũ gây tổn thất lớn cả về người và hạ tầng, buộc các cấp ngành từ trung ương đến địa phương phải hành động tức thời.

Từ giải pháp tình thế bằng cầu phao cho đến quyết định thi công khẩn cấp cầu mới, hành trình hồi sinh cây cầu được xem là một điển hình cho quyết tâm chính trị, năng lực tổ chức và tinh thần vượt khó của người lính thời bình.

 THI CÔNG THEO LỆNH KHẨN CẤP

Ngày 9/9, cầu Phong Châu bất ngờ sập do trụ T7 bị lũ cuốn, hai nhịp dàn chính rơi xuống sông Thao khi nhiều phương tiện vẫn đang di chuyển, khiến 8 người mất tích. Sự kiện gây rúng động dư luận và khiến tuyến giao thông trọng yếu phía Tây tỉnh Phú Thọ bị tê liệt.

Thủ tướng Chính phủ lập tức ban hành Công điện số 89/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả. Một tuần sau, Công điện số 96/CĐ-TTg tiếp tục được ban hành yêu cầu khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân, sáng 29/9, 20 ngày sau khi sự cố xảy ra, Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, 90 phương tiện để thi công cầu phao PMP 60 tấn, cách cầu Phong Châu bị sập do bão số 3 gây ra khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng.

Mặc dù vậy, phương án cầu phao chỉ là phương án tạm thời. Trong bối cảnh nước sông Thao chảy siết, nhiều lần các cán bộ, chiến sĩ phải tháo dỡ cầu và sử dụng phà để đưa người dân hai bên cầu di chuyển. Việc cấp bách là phải khẩn trương sớm triển khai xây dựng cầu Phong Châu mới.

Trong tình huống cấp bách, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) ban hành Quyết định số 1131/QĐ-BGTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông tại cầu Phong Châu.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới được giao cho Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý, xây dựng tại huyện Tam Nông và Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), trong thời gian từ quý 4/2024 đến quý 4/2025. Chí phí xây dựng cầu là khoảng 800 tỷ đồng, từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.

Ngày 21/12/2024, lễ khởi công cầu Phong Châu mới được tổ chức. Dự án được triển khai theo lệnh công trình khẩn cấp, giao Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) thi công chính.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh việc khẩn trương triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C thể hiện quyết tâm của các bộ, ngành liên quan và tỉnh Phú Thọ nhằm khắc phục thiệt hại do bão lũ; sớm kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông qua hai bên bờ sông nối huyện Tam Nông với huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và các địa phương trong vùng.

Đồng thời, Tư lệnh ngành Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công công trình phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, đảm bảo tuyệt đối an toàn; thi công “3 ca, 4 kíp” rút ngắn tiến độ hoàn thành các hạng mục.

VƯỢT KHÓ KHĂN, THẮNG GIAN NAN

Dù được phát lệnh khởi công từ ngày 21/12/2024, nhưng phải đến đầu tháng 2/2025, dự án cầu Phong Châu mới chính thức bước vào giai đoạn thi công thực địa, sau khi hoàn tất toàn bộ thủ tục khảo sát, thiết kế kỹ thuật và phê duyệt theo đúng quy định.

Tuy triển khai trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, song đến cuối tháng 5/2025, sản lượng thi công đã đạt khoảng 45% giá trị hợp đồng. Mốc hợp long dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tháng 9, thay vì sang tháng 11 như kế hoạch ban đầu, tiến độ rút ngắn tới 8 tháng.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã huy động gần 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng hơn 60 đầu thiết bị, máy móc chuyên dụng vào công trường, tổ chức thi công liên tục ba ca mỗi ngày.

Trong thời gian ngắn, các đơn vị đã hoàn thành việc tháo dỡ giàn thép nhịp 5 nặng hơn 500 tấn, phá dỡ hai mố và bốn trụ của cầu cũ một cách an toàn, bài bản. Công trường luôn giữ nhịp độ thi công cao nhờ được bàn giao mặt bằng sớm và sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương cùng người dân.

Giai đoạn thi công cọc khoan nhồi cho hai trụ chính giữa lòng sông, mỗi trụ gồm 22 cọc, là một trong những thử thách lớn nhất của toàn dự án. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: “Vị trí xây dựng cầu nằm tại đoạn sông có lòng dẫn hẹp, lưu tốc dòng chảy lớn, dễ gây xói lở. Địa chất khu vực phức tạp, lớp phủ mỏng, khi khoan qua đá lại gặp bùn, rồi mới đến lớp đá cứng. Việc neo giữ hệ nổi trong điều kiện như vậy cực kỳ khó khăn”.

Các cọc khoan nhồi dài trung bình 55–60m, đường kính 2m. Để đảm bảo chất lượng thi công, đơn vị đã áp dụng đồng thời các giải pháp kỹ thuật như sử dụng ống vách để ổn định thành vách hố khoan, đánh giá chính xác điều kiện địa chất từng vị trí, triển khai biện pháp thi công phù hợp theo từng tầng địa chất. “Thi công mỗi cọc như một lần thử thách giới hạn. Cọc nào hoàn thành đúng thiết kế là một lần thở phào,” ông Tuấn Anh chia sẻ.

Thêm vào đó, trong khi thi công trụ T4, các phần kết cấu còn lại của cầu cũ vẫn hiện hữu sát bên. Theo nguyên tắc, phải tháo dỡ toàn bộ kết cấu cũ mới được thi công trụ mới.

Tuy nhiên, để giữ tiến độ, đơn vị đã tính toán phương án an toàn, cho phép vừa thi công cọc khoan nhồi ở phía thượng lưu, vừa tiến hành tháo dỡ kết cấu cũ phía hạ lưu. “Thời điểm hoàn thành cọc khoan nhồi cuối cùng, cọc thứ 44, cũng là thời khắc nút thắt lớn nhất được tháo gỡ. Không khí trên công trường khi ấy vỡ òa. Từ Hà Nội, lãnh đạo Binh đoàn đã lập tức lên hiện trường chia sẻ cùng anh em,” Thượng tá Nhâm Mạnh Đôn, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 9, nhớ lại.

KỶ LỤC VỀ THI CÔNG CẦU

Dù thời tiết tháng 5 liên tục mưa nhiều, công trường cầu Phong Châu chưa một ngày ngơi nghỉ. Trên các mũi thi công từ trụ chính đến bãi đúc dầm, từng nhóm công nhân vẫn miệt mài bám công địa, giữ vững tiến độ được giao. “Chúng tôi đã kiểm soát tốt toàn bộ nhịp độ thi công”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Công trường thi công cầu Phong Châu mới chưa một ngày nghỉ ngơi. Ảnh: Tạ Hải
Công trường thi công cầu Phong Châu mới chưa một ngày nghỉ ngơi. Ảnh: Tạ Hải

Được biết, để kịp tiến độ công trình, xuyên suốt từ Tết Nguyên đán đến nay, công nhân thi công cầu Phong Châu đều chưa về thăm nhà. Một quân nhân chuyên nghiệp thuộc Xí nghiệp 99-1, Lữ đoàn 99 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) khẳng định dù khó khăn đến mấy cũng sẽ tạm gác niềm vui riêng để đưa công trình về đích sớm, đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương.

Không chỉ thi công khẩn trương, các đơn vị còn liên tục cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian hợp lý ở từng hạng mục. Cụ thể như thời gian thi công khối K0, thông thường mất đến 35 ngày, nhưng thực tế tại cầu Phong Châu chỉ còn 22 ngày. Hay mỗi đốt đúc hẫng cân bằng, thay vì mất 7 ngày, nay chỉ còn 5 đến 5,5 ngày. Riêng hạng mục cọc khoan nhồi, vốn được đánh giá là “gai góc nhất”, cũng hoàn thành vượt tiến độ gần nửa tháng.

Việc tích lũy thời gian ở từng công đoạn đã tạo nên bước nhảy tiến độ đáng kể. “Tổng thời gian thi công toàn cầu chỉ còn dưới 12 tháng, ngắn hơn nhiều so với thời gian phổ biến từ 1,5 đến 2 năm đối với các công trình có quy mô và điều kiện địa chất tương tự,” Đại tá Tuấn Anh nhận định. “Kết quả này là điều mà khi mới khảo sát, chúng tôi cũng chưa dám nghĩ tới”.

Đại tá Tuấn Anh cho biết thêm, có thời điểm tưởng chừng phải thay cả lực lượng thi công tại khối K0 vì không đáp ứng tiến độ. Nhưng với quyết tâm cao và sự đồng hành sát sao từ lãnh đạo Binh đoàn, toàn bộ hạng mục đã được rà soát lại, tính toán chi tiết, tối ưu nguồn lực để giữ vững cam kết với chủ đầu tư.

Theo thiết kế được phê duyệt, cầu Phong Châu mới thuộc tuyến Quốc lộ 32C có tổng chiều dài gần 653m, kết cấu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 20,5m, phù hợp với quy mô nền đường hiện hữu.

Tổng mức đầu tư hơn 635 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024. Đại diện Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết, đến nay, sản lượng thi công đã đạt khoảng 45% giá trị hợp đồng – là một tín hiệu rất khả quan để kỳ vọng công trình sẽ cán đích đúng và vượt tiến độ.