08:09 26/12/2012

VVF muốn “dứt điểm” với SeABank

Anh Minh

VVF vừa thể hiện một thái độ cứng rắn hơn trước rất nhiều về vụ tranh chấp với SeABank

Liên quan đến vụ tranh chấp với SeABank, VVF cho biết có thể khởi kiện lên tòa án.
Liên quan đến vụ tranh chấp với SeABank, VVF cho biết có thể khởi kiện lên tòa án.
Vụ tranh chấp SeABank - VVF đã lại có thêm diễn biến mới từ phía VVF, khi doanh nghiệp này có công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước “chỉ đạo SeABank giải quyết dứt điểm” để đảm bảo lợi ích của VVF.

Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) từng có công văn báo cáo toàn bộ nội dung sự việc lên Ngân hàng Nhà nước trong tháng 11/2012, và sau đó Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo VVF tổ chức họp báo để thông tin rộng rãi cho báo giới về “mong muốn được giải quyết vụ việc trên cơ sở thương lượng, đàm phán để giữ uy tín cho SeABank cũng như không làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành tài chính nói chung”.

Sau cuộc họp báo này, phía Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đã đề nghị VVF cùng mua lại dự án trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng Hesco, do Công ty Cổ phần Thiết bị thủy lợi và Công ty Cổ phần Bất động sản Megastar (là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar) làm chủ đầu tư, để tạo nguồn thu cho Vina Megastar có thể trả nợ trái phiếu.

Tuy nhiên, trong công văn mới nhất gửi lên Ngân hàng Nhà nước, VVF đã từ chối đề xuất này.

“VVF nhận thấy đề xuất của SeABank không phù hợp với các quy định của pháp luật. Một lần nữa VVF khẳng định việc VVF mua trái phiếu vì có sử bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang của ngân hàng SeABank”, VVF ghi rõ.

Công văn này cũng nhấn mạnh rằng trong thời gian qua VVF đã “nhiều lần thể hiện sự thiện chí, tham gia nhiều cuộc đàm phán cùng SeABank để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng phía SeABank không đưa ra câu trả lời chính thức và không ký vào bất kỳ văn bản nào thể hiện sự thiện chí của mình”. Do đó, VVF vẫn tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo SeABank xác nhận nghĩa vụ thanh toán cho VVF.

Công ty cũng cho hay sẽ “tiến hành áp dụng đồng loạt các hành vi pháp lý theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, theo đó sẽ công khai với báo giới toàn bộ hồ sơ tài liệu về việc phát hành trái phiếu của Vina Megastar và việc bảo lãnh của SeABank.

VVF cũng cho biết có thể khởi kiện lên tòa án và đặc biệt hơn, sẽ “gửi công văn giải trình tới cơ quan điều tra đề nghị làm rõ toàn bộ hoạt động quản lý của ngân hàng SeABank; đề nghị làm rõ vai trò, mục đích, động cơ và trách nhiệm của bà Lê Thu Thủy trong việc ký ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang ký thư bảo lãnh”. (Ngày 24/10/2011, bà Lê Thu Thủy, trên cương vị quyền Tổng giám đốc SeABank, đã ký giấy ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc được ký chứng thư bảo lãnh đối với đợt phát hành trái phiếu của Vina Megastar cho VVF).

Trong khi chờ phản hồi chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước về vụ việc, VnEconomy có nhận xét rằng thái độ và lời lẽ của VVF dường như đã cứng rắn hơn trước rất nhiều!

Trước đó, vào hôm 27/11/2012, SeABank cho biết đã nhận được văn bản của VVF và đại diện là Văn phòng luật sư Nam Hà Nội, về việc yêu cầu SeABank thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của Vina Megastar phát hành ngày 19/10/2011, do bà Nguyễn Thị Hương Giang - nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng ký phát hành.

Tuy nhiên, SeABank không chấp nhận yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo chứng thư bảo lãnh phát hành ngày 24/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký, vì cho rằng chứng thư bảo lãnh này “trái pháp luật”.

Đến đầu tháng 12, Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án đối với bà Nguyễn Thị Hương Giang - người đã bị SeABank miễn nhiệm từ ngày 28/4/2012 - do lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Theo tờ An Ninh Thế Giới, bà Giang bị cơ quan điều tra cáo buộc có hành vi tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh vượt quá thẩm quyền quy định, để ngoài hệ thống sổ sách, không có hồ sơ lưu, không thu phí, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Tổng giá trị số chứng thư bảo lãnh đã được phát hành lên tới trên 310 tỷ đồng, đến nay đã quá hạn thanh toán nhưng các bên được bảo lãnh vẫn chưa thanh toán hoặc có biện pháp khắc phục.