“Người thứ ba” trong thương vụ SeABank - VVF
Thử tìm hiểu chân dung “người thứ ba” trong tranh chấp xung quanh vụ bảo lãnh 150 tỷ đồng trái phiếu giữa SeABank và VVF
Tại cuộc họp báo hôm 28/11 vừa qua, ban lãnh đạo Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) thông qua luật sư của mình đã thông báo với báo giới toàn bộ nội dung vụ tranh chấp giữa công ty này và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), trong đó nói rằng vào giữa năm 2011, đã có “một phó tổng giám đốc” của SeABank đóng vai trò môi giới cho thương vụ bảo lãnh trái phiếu gây nhiều tai tiếng.
Đồng thời, VVF cũng cung cấp một văn bản, trong đó bà Lê Thu Thủy, quyền Tổng giám đốc SeABank, đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc SeABank, về việc ký thư bảo lãnh cho thương vụ nói trên. Cách thông tin này đã khiến cho một số người nhầm hiểu rằng, có thêm “một phó tổng giám đốc khác” có liên quan trong thương vụ này.
SeABank sau đó đã có động thái “nói lại cho rõ” rằng không có “người thứ ba” và rằng “phó tổng giám đốc” đã đóng vai trò môi giới trong thương vụ này cũng chính là bà Nguyễn Thị Hương Giang.
Tuy nhiên, điều mà không ít người ngạc nhiên là có rất ít thông tin về một “người thứ ba” rất quan trọng trong thương vụ này được công bố, cũng như vai trò và trách nhiệm của đối tượng này như thế nào trong vụ tranh chấp. “Người thứ ba” mà VnEconomy đề cập đến, chính là Công ty Cổ phần Vina Megastar, chủ sở hữu của lượng trái phiếu đang gây tranh cãi.
Có rất ít thông tin về tập đoàn này, ngoại trừ những gì chính họ công bố trên website của mình. Theo đó, Vina Megastar tự giới thiệu mình là doanh nghiệp “luôn dẫn đầu trong việc phát huy tối đa giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp truyền thống và phát triển đô thị”. “Từ công nghệ luyện kim tới đóng tàu, từ đáp ứng nhu cầu địa ốc đến khu công viên công nghiệp - business park, Megastar luôn áp dụng các công nghệ tiên tiến tạo sự khác biệt cho sản phẩm”, website viết.
Vẫn theo nguồn tin này, vốn điều lệ của công ty này là 700 tỷ đồng và đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Về chiến lược phát triển, Vina Megastar cho biết sẽ “đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực phát triển đô thị với nhiều dự án phát triển khu công nghiệp, khu đô thị và khu du lịch. Hiện nay, Vina Megastar đang triển khai nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, với các dự án điển hình như: Megastar Business Park ở Hưng Yên, khu đô thị mới Hữu Hòa (Hà Nội), dòng sản phẩm Dominium (khu nhà trung tâm thương mại - chung cư cao tầng), công viên dịch vụ vui chơi giải trí…”.
Đặc biệt, trong tương lai, Vina Megastar định hướng sẽ “trở thành một tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản và phát triển đô thị ở Việt Nam”.
Với hồ sơ “hoành tráng” như vậy, việc phát hành trái phiếu của công ty này đã diễn ra khá thuận lợi, vì theo nguồn tin của VnEconomy, ngoài khoản đầu tư 150 tỷ đồng của SeABank, hàng trăm tỷ đồng trái phiếu khác cũng đã được công ty này phát hành thành công và một phần trong đó cũng do chính bà Nguyễn Thị Hương Giang ký thư bảo lãnh thanh toán.
Vina Megastar còn được biết tới với tư cách là nhà đầu tư của dự án xây dựng tuyến đường vành đai 2,5 của Hà Nội. Tháng 7/2008, thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi nhiệm vụ đầu tư dự án này từ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) để giao cho Vina Megastar làm chủ đầu tư thí điểm tuyến đường 2,5 km từ đường Lê Văn Lương đến Đầm Hồng, trên địa bàn quận Thanh Xuân. Tuyến đường vốn được xếp vào hàng “dự án trọng điểm” này của Hà Nội hiện nay vẫn còn nằm trên giấy.
Hiện tại, Vina Megastar cũng đang là nhà đầu tư của một số dự án chung cư tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi thương vụ SeABank - VVF được công bố, qua đó phơi bày thực tế khó khăn tài chính của Vina Megastar, có lẽ nhiều người đang lo ngại cho số phận của các dự án này.
Đồng thời, VVF cũng cung cấp một văn bản, trong đó bà Lê Thu Thủy, quyền Tổng giám đốc SeABank, đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc SeABank, về việc ký thư bảo lãnh cho thương vụ nói trên. Cách thông tin này đã khiến cho một số người nhầm hiểu rằng, có thêm “một phó tổng giám đốc khác” có liên quan trong thương vụ này.
SeABank sau đó đã có động thái “nói lại cho rõ” rằng không có “người thứ ba” và rằng “phó tổng giám đốc” đã đóng vai trò môi giới trong thương vụ này cũng chính là bà Nguyễn Thị Hương Giang.
Tuy nhiên, điều mà không ít người ngạc nhiên là có rất ít thông tin về một “người thứ ba” rất quan trọng trong thương vụ này được công bố, cũng như vai trò và trách nhiệm của đối tượng này như thế nào trong vụ tranh chấp. “Người thứ ba” mà VnEconomy đề cập đến, chính là Công ty Cổ phần Vina Megastar, chủ sở hữu của lượng trái phiếu đang gây tranh cãi.
Có rất ít thông tin về tập đoàn này, ngoại trừ những gì chính họ công bố trên website của mình. Theo đó, Vina Megastar tự giới thiệu mình là doanh nghiệp “luôn dẫn đầu trong việc phát huy tối đa giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp truyền thống và phát triển đô thị”. “Từ công nghệ luyện kim tới đóng tàu, từ đáp ứng nhu cầu địa ốc đến khu công viên công nghiệp - business park, Megastar luôn áp dụng các công nghệ tiên tiến tạo sự khác biệt cho sản phẩm”, website viết.
Vẫn theo nguồn tin này, vốn điều lệ của công ty này là 700 tỷ đồng và đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Về chiến lược phát triển, Vina Megastar cho biết sẽ “đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực phát triển đô thị với nhiều dự án phát triển khu công nghiệp, khu đô thị và khu du lịch. Hiện nay, Vina Megastar đang triển khai nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, với các dự án điển hình như: Megastar Business Park ở Hưng Yên, khu đô thị mới Hữu Hòa (Hà Nội), dòng sản phẩm Dominium (khu nhà trung tâm thương mại - chung cư cao tầng), công viên dịch vụ vui chơi giải trí…”.
Đặc biệt, trong tương lai, Vina Megastar định hướng sẽ “trở thành một tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản và phát triển đô thị ở Việt Nam”.
Với hồ sơ “hoành tráng” như vậy, việc phát hành trái phiếu của công ty này đã diễn ra khá thuận lợi, vì theo nguồn tin của VnEconomy, ngoài khoản đầu tư 150 tỷ đồng của SeABank, hàng trăm tỷ đồng trái phiếu khác cũng đã được công ty này phát hành thành công và một phần trong đó cũng do chính bà Nguyễn Thị Hương Giang ký thư bảo lãnh thanh toán.
Vina Megastar còn được biết tới với tư cách là nhà đầu tư của dự án xây dựng tuyến đường vành đai 2,5 của Hà Nội. Tháng 7/2008, thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi nhiệm vụ đầu tư dự án này từ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) để giao cho Vina Megastar làm chủ đầu tư thí điểm tuyến đường 2,5 km từ đường Lê Văn Lương đến Đầm Hồng, trên địa bàn quận Thanh Xuân. Tuyến đường vốn được xếp vào hàng “dự án trọng điểm” này của Hà Nội hiện nay vẫn còn nằm trên giấy.
Hiện tại, Vina Megastar cũng đang là nhà đầu tư của một số dự án chung cư tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi thương vụ SeABank - VVF được công bố, qua đó phơi bày thực tế khó khăn tài chính của Vina Megastar, có lẽ nhiều người đang lo ngại cho số phận của các dự án này.