VWS đẩy nhanh dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác
Đây cũng là chủ trương chung của Tp.HCM trong thời gian gần đây
Báo cáo với Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong trong chuyến thăm khảo sát và làm việc của người đứng đầu chính quyền Thành phố tại khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) sáng 14/1/2020, ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VWS đã cho biết như vậy. Và đây cũng là chủ trương chung của Tp.HCM trong thời gian gần đây.
Đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của Công ty VWS được thực hiện trên diện tích hơn 12 ha, tại khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, Tp.HCM), với công suất 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày. Tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD.
Mục tiêu của dự án là biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, phân compost; giảm tối đa tỷ lệ chôn lấp; giảm phát thải carbon vào môi trường; nhân rộng việc sử dụng khí nén lỏng tái tạo nhiên liệu sạch, cung cấp cho các phương tiện giao thông góp phần giảm ô nhiễm môi trường; tăng cường các giải pháp đa dạng nhằm quản lý chất thải rắn.
Ông David Dương cho biết, ông hy vọng trong khoảng hai đến ba tháng tới, đề án chuyển đổi công nghệ (hồ sơ đang nằm ở Thành phố, chờ phê duyệt - NV) được chấp thuận để bắt đầu đầu tư và trong 24 tháng sau sẽ có nhà máy quy mô hiện đại, nhằm xử lý khép kín tất cả khối lượng rác 3.000 tấn/ngày, từ đầu vào là rác đến đầu ra là các thành phẩm tái sử dụng. "Vấn đề cốt lõi của đề án chủ yếu là ủ rác, chiếm 76%, 24% là sử dụng công nghệ đốt rác phát điện", ông David Dương cho biết.
Góp ý thêm cho đề án chuyển đổi công nghệ tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, đặc thù của hệ thốngg ủ là có mùi, nên xen lẫn giữa khu đô thị thì phải cân nhắc, thành phố đưa ra công nghệ đốt rác phát điện để xử lý toàn bộ trong hệ thống kín, tránh việc phát tán mùi. Ông nói: Chủ đầu tư có quyền lựa chọn công nghệ nhưng phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là quá trình phát triển của thành phố. Đây là gợi ý để chủ đầu tư hoàn chuẩn về mặt kỹ thuật, quy định để trình đề án này.
Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, trong thời gian tới, quy mô phát triển kinh tế, dân số của Thành phố sẽ không ngừng gia tăng. Do vậy, khối lượng rác thải cũng sẽ tăng, yêu cầu xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường thành phố càng được chú trọng. Tp.HCM khuyến khích và mời gọi các doanh nghiệp xử ý chất thải với công nghệ cao, tham gia vào công tác đảm bảo vệ sinh môi trường thành phố. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lựa chọn công nghệ cho phù hợp với đặc thù của đô thị Tp.HCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Tp.HCM nhận xét: Là nhà đầu tư rất lâu năm tại Tp.HCM, đến 12 năm theo đuổi, doanh nghiệp cũng đã hiểu được đặc thù rác ở Thành phố này như thế nào. Ông Phong đề nghị hình thành hội đồng thẩm định công nghệ để xem xét, cho ý kiến. Toàn bộ dự án sẽ được lãnh đạo thành phố nghe lại toàn bộ. "Riêng doanh nghiệp, khi được góp ý về mặt công nghệ thì phải khẩn trương triển khai. Thành phố thì sẽ cố gắng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Phong lưu ý.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các sở, ngành chức năng của Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện khu vực cách ly 280 ha cây xanh giữa khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với khu dân cư, để bảo đảm an toàn tuyệt đối vấn đề môi trường cho bà con cư dân.
Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Tổ thẩm định dự án trước đó đã đi khảo sát toàn bộ khu liên hợp xử lý của Công ty VWS: lên đỉnh bãi rác của khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước ghi nhận và đánh giá mùi hôi, mục kích khu xử lý nước rỉ rác cùng các khu vực liên quan,…