19:46 13/10/2021

WB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 2 - 2,5%

WB nhận định, với mức tăng trưởng âm trong quý 3/2021, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam sẽ bị giảm đi đáng kể...

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo cập nhật bản tin về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 năm 2021. Trong đó, cơ quan này đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam.

Cụ thể, theo tính toán của WB, GDP quý 3/2021 của Việt Nam đã giảm 6,2% so cùng kỳ năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý. Với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý 4/2021, GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2% đến 2,5%.

Như vậy, con số này thấp hơn đáng kể so với mức 4,8% trong báo cáo hồi tháng 8/2021 của WB.

Cũng theo WB, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý 3/2021 giảm 2,6 điểm phần trăm so với quý 2/2021. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lần lượt 1,0 điểm phần trăm và 1,8 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian. Mức lương thực tế bình quân tháng giảm 10,1% (so quý trước) và 12,1% (so cùng kỳ năm trước), một bước lùi đáng kể trong quá trình phục hồi thu nhập bắt đầu từ quý 3/2020.

Diễn biến xấu đi của thị trường lao động phản ánh tác động bất lợi của đợt cách ly xã hội và cho thấy những khó khăn kinh tế mà nhiều hộ gia đình có thể đang phải gánh chịu.

Điểm đáng chú ý được Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh trong tháng 9, đó là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,6% (so cùng kỳ năm trước), trong khi tăng trưởng nhập khẩu chững lại, chỉ đạt 9,5% (so cùng kỳ năm trước) so với 20,4% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 8.

Chính vì vậy, đây là tháng đầu tiên có thặng dư thương mại kể từ tháng 4/2021. Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký tháng 9/2021 tăng 26,1% so với tháng trước, một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Liên quan đến hệ thống ngân hàng, WB cho biết, tỷ giá VND/USD bình quân tháng 9/2021 tăng 0,4% (so tháng trước) trên thị trường chính thức trong nước, sau khi đã tăng 0,7% (so tháng trước) trong tháng 8. Đồng nội tệ tiếp tục mạnh lên có lẽ nhờ cán cân thương mại và giải ngân vốn FDI được cải thiện. Sau hai tháng tăng liên tiếp, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) đi ngang trong tháng 9.

Tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 giảm còn 13,3% (so cùng kỳ năm trước) từ mức 14,9% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 8 khi mà nhu cầu tín dụng suy yếu do các hoạt động kinh tế chững lại. Trong khi đó, tăng trưởng tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tiếp tục theo xu hướng chậm lại, giảm từ 12,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 8 xuống 10,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 9, có lẽ do lãi suất huy động giảm ở một số ngân hàng thương mại.

“Chính vì vậy, tỷ lệ tín dụng so với tổng tiền gửi hầu như không đổi so với tháng trước. Do nhu cầu tín dụng chững lại, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn tương đối ổn định ở mức 0,65% trong tháng 9, tương tự như mức ghi nhận vào cuối tháng 8”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định.

Mặt khác theo WB, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ.

Để gỡ bỏ những nút thắt về logistics, WB nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, đồng thời khuyến khích dịch chuyển lao động.

Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Thứ nhất là giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu.

Thứ hai là mở rộng hơn nữa việc hỗ trợ cho người lao động cả nhóm chính thức lẫn phi chính thức, cũng như các hộ gia đình. Nhờ vậy, người lao động có thể vượt qua khó khăn, sớm quay lại sản xuất bình thường.

Thứ ba, Việt Nam cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.