11:46 08/10/2012

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á

An Huy

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á trong năm 2012

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn được WB đánh giá là có vị thế tốt để chống chọi được với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hoặc suy giảm tăng trưởng toàn cầu - Ảnh: Bloomberg.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn được WB đánh giá là có vị thế tốt để chống chọi được với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hoặc suy giảm tăng trưởng toàn cầu - Ảnh: Bloomberg.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á trong năm 2012, đồng thời cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc đối mặt nguy cơ suy giảm mạnh mẽ hơn.

Báo Wall Street Journal cho biết, những dự báo u ám trên được WB đưa ra trong sáng nay (8/10). Trong đó, định chế này cắt giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2012 dành cho các nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản) xuống còn 7,2%, từ mức 7,6% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 5, và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011.

Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, mức dự báo tăng trưởng được hạ xuống còn 7,7% từ mức 8,2% trước đó.

“Trong bối cảnh môi trường kinh tế bên ngoài suy yếu, nền kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Rủi ro vẫn nằm ở khả năng suy giảm tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc so với dự kiến ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, các nước xuất khẩu nguyên vật liệu đầu vào đặc biệt đương đầu những nguy cơ đến từ giảm tốc tăng trưởng toàn cầu”, báo cáo của WB có đoạn viết.

WB đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu nằm ở sự phục hồi ì ạch của nền kinh tế Mỹ và suy thoái ở khu vực châu Âu. Theo định chế này, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn là một rủi ro lớn hàng đầu, tiếp đó là nguy cơ xuất hiện “vực thẳm ngân sách” ở Mỹ. “Vực thẳm ngân sách” chỉ tình trạng xảy ra khi các chương trình giảm thuế và cắt giảm chi tiêu đồng loạt tự động kết thúc ở Mỹ vào cuối năm nay, gây áp lực cho tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, sự giảm tốc tăng trưởng ở Trung Quốc chủ yếu là do Chính phủ nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm hạ nhiệt nền kinh tế tăng trưởng nóng và lạm phát. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng xấu từ tình trạng sa sút nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của nước này là Mỹ và châu Âu. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 2 đã giảm xuống mức 7,6%, thấp nhất trong 3 năm. Các quan chức Trung Quốc cảnh báo rằng, GDP của nước này có thể giảm tốc sâu hơn trước khi hồi phục.

“Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc năm nay diễn ra mạnh mẽ, và nhiều người lo ngại nền kinh tế này có thể giảm tốc hơn nữa”, WB nhận xét.

Cũng theo bản báo cáo, các nước xuất khẩu hàng hóa có thể sẽ chịu rủi ro lớn nhất trong trường hợp tăng trưởng toàn cầu tiếp tục suy giảm. Nhóm nước này điển hình gồm các quốc gia như Mông Cổ, Lào, Timor Leste, Fiji, và Papua New Guinea.

Mặc dù vậy, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn được WB đánh giá là có vị thế tốt để chống chọi được với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hoặc suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Những điểm mạnh của các nền kinh tế trong khu vực mà WB chỉ ra là các ngân hàng có mức vốn cao, thâm hụt ngân sách công thấp, và dự trữ ngoại hối cao.

WB dự báo, nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Định chế này cho rằng, GDP toàn cầu sẽ tăng 2,3% trong năm nay, trước khi tăng 2,6% trong năm 2013.

Cũng theo dự báo của WB, kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay, Malaysia tăng 4,8%, Philippines tăng 5%, Thái Lan tăng 4,5%, còn Việt Nam tăng 5,2%. “Đối với năm 2013, tăng trưởng được kỳ vọng sẽ nhích lên ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển khác trong khu vực, nơi nhu cầu nội địa vẫn ở mức cao”, báo cáo của WB viết.

Định chế này khuyến cáo các nền kinh tế hướng ra xuất khẩu ở châu Á nên giảm bớt sự phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường bên ngoài và khuyến khích tiêu dùng trong nước. “Triển vọng sa sút của các nền kinh tế lớn tiếp tục đem đến lợi thế cho những nền kinh tế có sức cầu nội địa tốt. Bởi thế, khuyến khích tiêu dùng nội địa vẫn là một vấn đề quan trọng cho hầu hết các quốc gia trong khu vực”.