WHO: Omicron đe dọa tính mạng của người chưa tiêm vaccine, người già và có bệnh nền
Theo khuyến cáo của chuyên gia WHO, hiện vẫn chưa rõ những tác động dài hạn của Omicron tới sức khỏe con người trong dài hạn. Do đó, cách tốt nhất là tiêm chủng, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và làm việc ở nhà nếu có thể...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có thể đe dọa tính mạng của những người chưa tiêm vaccine, người cao tuổi và người có bệnh nền.
“Người chưa tiêm vaccine đối điện với rủi ro cao hơn bởi việc nhiễm Omicron sẽ khiến tình trạng bệnh của họ nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong”, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói trong một chương trình phát trực tiếp trên các kênh mạng xã hội của WHO ngày 11/1. "Biến thể này là mối đe dọa lớn tới sức khỏe và tính mạng của họ”.
Ngược lại, những người đã tiêm vaccine nhìn chung chỉ trải qua các triệu chứng bệnh nhẹ nếu nhiễm Omicron, ông Ryan cho biết và kêu gọi mọi người cân nhắc thận trọng khi ra ngoài và đi tiêm vaccine ngay.
Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết người già và người có bệnh nền cũng đối diện với nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm Omicron so với các nhóm người khác.
“Chúng ta đều biết rằng tỷ lệ tử vong do Omicron tăng lên khi tuổi càng cao. Bên cạnh đó, dữ liệu của chúng tôi từ một số quốc gia cho thấy những người mắc ít nhất một bệnh nền khi nhiễm Omicron có nguy cơ phải nhập viện và tử vong cao hơn so với nhiễm biến thể Delta”, bà Van Kerkhove nói.
Cho biết tỷ lệ người tử vong, cũng như nguy cơ mắc bệnh nặng và nhập viện vì Covid trong đợt sóng dịch với biến thể Omicron thấp hơn so với biến thể Delta, song bà Van Kerkhove cảnh báo rằng “ít nghiêm trọng hơn không có nghĩa là Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ”.
“Điều thực sự quan trọng là người bệnh vẫn phải nhập viện vì Omicron”, bà nói và cảnh báo mọi người không nên phó mặc và tự để mình phơi nhiễm với virus.
Theo bà, hiện vẫn chưa rõ những tác động dài hạn của Omicron tới sức khỏe con người trong dài hạn. Do đó, cách tốt nhất là tiêm chủng, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và làm việc ở nhà nếu có thể.
Còn theo ông Ryan, những ảnh hưởng tới sức khỏe do nhiễm virus thường phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của mỗi người, như hệ miễn dịch có mạnh hay không. Ví dụ, một người mắc tiểu đường thì không có hệ miễn dịch tốt để chống lại virus.
“Chúng tôi có thể nói rằng biến thể Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn (so với Delta) nhưng đó là mức trung bình. Vẫn có hàng trăm nghìn người trên thế giới nhiễm biến thể này phải nhập viện và với họ, đây là một căn bệnh nặng”, ông nói.
Thông tin thêm về Omicron, bà Van Kerkhove cho rằng Omicron có thể đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới và trở thành biến thể chủ đạo bởi biến thể này hầu như chỉ được phát hiện tại những quốc gia khả năng giải trình tự gen tốt.
Trước đó, lý giải về khả năng lây lan nhanh của Omicron, Van Kerkhove cho biết biến thể Omicron lây lan rất nhanh hiện nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có tính chất của biến thể và việc người dân tăng tiếp xúc. Các đột biến cho phép virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào người dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, có yếu tố được gọi là "trốn miễn nhiễm", theo đó người đã mắc Covid-19 và đã khỏi hoặc người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn tái nhiễm.
Theo số liệu của WHO, tính tới ngày 11/1, trên toàn cầu đã có tổng cộng hơn 380 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 5,5 triệu ca tử vong. Tính tới ngày 10/1, có khoảng 9,2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu.