12:15 14/01/2022

WHO phê chuẩn hai phương pháp điều trị Covid-19 mới

Tuấn Dũng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê chuẩn hai phương pháp mới điều trị Covid-19 có thành phần baricitinib và sử dụng kháng thể tổng hợp Sotrovimab.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Hai phương pháp điều trị này gồm sử dụng thuốc điều trị viêm khớp có thành phần baricitinib và sử dụng kháng thể tổng hợp Sotrovimab.

Trong khuyến cáo của WHO đăng trên Tạp chí y khoa Anh BMJ, các chuyên gia của WHO nêu rõ thành phần baricitinib được sử dụng cùng với corticosteroid có khả năng làm tăng tỷ lệ sống và giảm nguy cơ phải sử dụng máy thở ở bệnh nhân Covid-19 thể nặng hoặc nguy kịch.

Còn với kháng thể tổng hợp Sotrovimab, các chuyên gia cũng khuyến sử dụng cho những người mắc Covid-19 không nghiêm trọng song có nguy cơ nhập viện cao nhất. Chẳng hạn như người già, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường.

Trước đó, hồi tháng 7, WHO đã phê chuẩn thuốc điều trị khớp có hai thành phần tocilizumab và sarilumab dùng kết hợp corticosteroid nhằm ngăn chặn nguy cơ hệ miễn dịch của bệnh nhân Covid-19 phản ứng qua mức trước virus SARS-CoV-2. Tháng 9/2021, WHO phê chuẩn phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng kháng thể tổng hợp Regeneron.

Các khuyến nghị điều trị Covid-19 của WHO được cập nhật thường xuyên dựa trên dữ liệu mới từ các thử nghiệm lâm sàng.

Quyết định của WHO được công bố trong bối cảnh số ca nhập viện do nhiễm biến thể Omicron gia tăng trên toàn thế giới. Tổ chức này cũng dự báo khoảng một nửa dân số châu Âu có thể sẽ nhiễm biến thế này vào tháng 3 tới. Phê duyệt này nhằm bổ sung thêm công cụ mũi nhọn cùng các loại vaccine hiện có để ngăn ngừa nguy cơ trở nặng và tử vong cho bệnh nhân Covid-19.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4498/QĐ-BYT 2021 sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SARS-Co-V-2  (có hiệu lực từ ngày 21/9). Theo đó quy định, thuốc kháng virus là thuốc ức chế sự sao chép của virut. Thuốc kháng virus đường uống thường được dùng cho tất cả những trường hợp xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 giai đoạn sớm. Thuốc kháng virus đường tiêm, truyền thường được dùng cho bệnh nhân nội trú.

Trước đó Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tạm thời sử dụng thuốc remdesivir trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Kháng thể đơn dòng chỉ định điều trị cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên đã được khẳng định nhiễm virus SARS-CoV-2 mức độ nhẹ đến vừa và có nguy tiến triển nặng như người cao tuổi, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường typ 1 và typ 2, bệnh thận mạn tính.

Bao gồm cả các bệnh nhân đang lọc máu, bệnh gan mạn tính, Suy giảm miễn dịch-đang được điều trị ung thư, ghép tủy xương hoặc ghép tạng, suy giảm miễn dịch, HIV, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia và sử dụng dài ngày các thuốc gây suy giảm miễn dịch.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, đối với thuốc chưa được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Đối với thuốc đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì cho phép sử dụng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu (như thuốc Tocilizumab, Sarilumab; Casirivimab 600mg + Imdevimab 600mg, Bamlanivimab 700mg + Estesevimab 1400mg, Strovimab;...).