06:00 09/10/2021

Giá 700 USD/liệu trình, thuốc điều trị Covid-19 dạng viên của Merck có thể "thay đổi cuộc chơi"?

Hoài Thu

Một liệu trình uống trong 5 ngày của thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir do Merck phát triển có giá khoảng 700 USD, chỉ bằng 1/3 so với các loại thuốc kháng thể đơn dòng tiêm qua tĩnh mạch...

Thuốc Molnupiravir ban đầu được phát triển để trị bệnh cúm - Ảnh: Merck
Thuốc Molnupiravir ban đầu được phát triển để trị bệnh cúm - Ảnh: Merck

Molnupiravir, thuốc kháng virus dạng viên do hãng dược Merck & Co phát triển., được quảng cáo là loại thuốc có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Theo Bloomberg, triển vọng về loại thuốc mà bệnh nhân có thể dễ dàng mua và uống tại nhà của Molnupiravir đã khiến một số chính phủ đặt hàng ngay với Merck dù thuốc chưa được cấp phép sử dụng.

Vậy loại thuốc này có điểm gì đặc biệt mà nhận được sự kỳ vọng lớn của giới khoa học cũng như các chính phủ trên toàn cầu?

LOẠI THUỐC GÂY "ĐỘT BIẾN HỦY DIỆT" SARS-NCOV-2

Trên thực tế, Molnupiravir là tên hóa học của một loại thuốc dạng viên nang ban đầu được phát triển để trị bệnh cúm. Thuốc này có tác dụng ức chế khả năng sinh sôi của SARS-nCoV-2 – virus gây ra đại dịch Covid-19 – theo cơ chế gây "đột biến hủy diệt”. Nói một cách đơn giản, thuốc này khiến bộ máy tái tạo vật liệu di truyền của virus SARS-nCoV-2 mắc lỗi, từ đó tạo ra các bản sao lỗi.

Thuốc này hiện đang được phát triển bởi hãng dược Merck, có trụ sở tại New Jersey và Ridgeback Biotherapeutics LP, có trụ sở tại Florida, Mỹ.

Trong thông cáo ngày 1/10, Merck cho biết, phân tích dữ liệu ban đầu từ một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy Molnupiravir làm giảm 50% nguy cơ nhập viện. Trong số 385 bệnh nhân dùng thuốc, có 28 người (tỷ lệ 7,3%) phải nhập viện. Trong khi đó, ở nhóm dùng giả dược, có 53 trên 377 bệnh nhân (14,1%) phải nhập viện. Tới ngày thứ 29 của cuộc thử nghiệm, không có trường hợp tử vong nào trong nhóm dùng Molnupiravir, nhưng có tới 8 người tử vong ở nhóm dùng giả dược.

Merck đang xin cấp phép sử dụng cho thuốc Molnupiravir - Ảnh: Getty Images
Merck đang xin cấp phép sử dụng cho thuốc Molnupiravir - Ảnh: Getty Images

Merck cho biết đây là một thử nghiệm tương đối nhỏ và cần phải nghiên cứu thêm nữa. Tuy nhiên, kết quả khả quan này đã khiến Merck và Ridgeback, với sự tham vấn của các nhà giám sát thử nghiệm độc lập và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), tạm dừng thử nghiệm và bắt đầu quá trình xin cấp phép theo quy định.

Tại một hội nghị hồi tháng 9, Merck thông báo rằng nghiên cứu ban đầu cho thấy Molnupiravir có thể ngăn chặn các biến thể SARS-CoV-2 phổ biến nhất, bao gồm biến thể Delta và Gamma.

Theo thông tin từ Merck, Molnupiravir được dùng 2 viên/ngày trong vòng năm ngày cho người bệnh Covid-19 trưởng thành có triệu chứng từ nhẹ tới trung bình. Một nghiên cứu đầu năm nay cho thấy Molnupiravir không mang lại nhiều hiệu quả với những bệnh nhân đã nhập viện có triệu chứng nặng. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu thuốc này có thể được dùng để ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan trong các hộ gia đình có một hoặc nhiều thành viên mắc bệnh Covid-19 hay không.

Các phân tích ban đầu cho thấy, chỉ 1,3% người tham gia thử nghiệm dùng Molnupiravir phải dừng uống vì tác dụng phụ, so với tỷ lệ 3,4% ở nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên, Molnupiravir sẽ cần được đánh giá trên một nhóm thử nghiệm lớn hơn để xác định mức độ an toàn. Những người tham gia thử nghiệm được yêu cầu tránh quan hệ tình dục hoặc phải sử dụng các biện pháp tránh thai. Dù đây cũng là khuyến cáo thường gặp với một số loại thuốc khác, như thuốc điều trị ung thư, nhưng điều này cho thấy Molnupiravir có khả năng gây di tật bẩm sinh nếu người dùng mang thai.

DỄ DÙNG, GIÁ RẺ BẰNG 1/3 THUỐC TIÊM

Khác biệt lớn nhất của Molnupiravir và các loại thuốc điều trị Covid-19 hiện nay là thuốc của Merck được phát triển dạng viên uống.

Thuốc kháng virus Remdesivir do Gilead Sciences phát triển, cũng như các loại thuốc kháng thể đơn dòng khác, đều được tiêm qua đường tĩnh mạch. Do đó, các loại thuốc này chủ yếu dược dùng ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế, nơi người mắc Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và những bệnh nhân khác.

Trong khi đó, ưu điểm chính của Molnupiravir là được bào chế dạng viên, cho phép bệnh nhân có thể uống và điều trị bệnh ngay tại nhà.

Ngoài ra, thuốc này cũng có chi phí rẻ hơn các loại thuốc kháng virus khác. Theo New York Times, một liệu trình uống trong 5 ngày của Molnupiravir có giá khoảng 700 USD/bệnh nhân, chỉ bằng 1/3 so với các loại thuốc kháng thể đơn dòng.

Theo Bloomberg, một loại thuốc kháng virus an toàn, dung nạp tốt, giá cả phải chăng và dễ dùng là phương pháp điều trị Covid-19 lý tưởng. Molnupiravir giúp trực tiếp chống lại virus, hạn chế tác động của virus tới cơ thể người bệnh cũng như giảm thời gian bệnh.

Trong khi đó, Steroid và các chất làm loãng máu, dù được chứng minh là giúp cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân Covid-19 nhập viện, nhưng không trực tiếp chống lại virus mà chỉ ngăn chặn các triệu chứng Covid-19 trở nên tồi tệ hơn.

Merck dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu viên Molnupiravir vào cuối năm nay và sản xuất nhiều hơn vào năm sau. Vào tháng 6, hãng dược này đã ký hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD với Chính phủ Mỹ để cung cấp 1,7 triệu liều sau khi thuốc được FDA cấp phép sử dụng có điều kiện hoặc cấp phép sử dụng hoàn toàn (full approval). Ngoài Mỹ, Merck cũng ký hợp đồng với nhiều chính phủ khác và đang chờ thuốc được cấp phép để triển khai cung ứng. Trong đó, Chính phủ Australia đặt 300.000 viên.

Merck cho biết công ty sẽ triển khai cơ chế tính giá theo cấp độ dựa trên tiêu chí về mức thu nhập quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) – yếu tố thể hiện tương đối khả năng tài chính trong việc ứng phó với đại dịch của các quốc gia. Hồi tháng 4, hãng dược Mỹ đã công bố các thỏa thuận cấp phép tự nguyện với các nhà sản xuất thuốc gốc ở Ấn Độ để đẩy mạnh khả năng cung ứng Molnupiravir tại hơn 100 quốc gia thu nhập thấp và trung bình ngay khi thuốc được cấp phép.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu những loại thuốc như Molnupiravir có thay thế được vaccine ngừa Covid-19 hay không. Câu trả lời là: không.

Vaccine vẫn là rào chắn hiệu quả chống Covid-19 - Ảnh: AP
Vaccine vẫn là rào chắn hiệu quả chống Covid-19 - Ảnh: AP

Theo các nhà khoa học, vaccine vẫn là rào chắn hiệu quả nhất chống lại SARS-nCoV-2. Tại các cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine cao vẫn sẽ ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Do đó, các loại thuốc kháng virus sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế những ca bệnh nặng, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi và người bị suy giảm hệ miễn dịch bởi với nhóm này, hiệu quả của vaccine thấp hơn.

Các chuyên gia cho rằng, cách bảo vệ đầu tiên và tốt nhất chống lại Covid-19 là không bị nhiễm ngay từ đầu. Các biện pháp như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách, vẫn sẽ là chìa khóa để ngăn ngừa virus lây lan và chấm dứt đại dịch.