WHO phê duyệt vaccine Covid-19 của AstraZeneca
WHO đánh giá vaccine của AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí bắt buộc về an toàn cho người dùng và hiệu quả vượt trội so với rủi ro tiềm tàng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 đã phê duyệt vaccine Covid-19 do hãng dược Anh AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển để sử dụng cho trường hợp khẩn cấp, theo tin từ Reuters. Động thái này giúp tăng khả năng tiếp cận vaccine giá rẻ cho các quốc gia đang phát triển.
"Giờ đây, chúng ta đã có đủ tất cả mảnh ghép để phân phối nhanh vaccine Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần mở rộng quy mô sản xuất", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại họp báo.
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà phát triển vaccine Covid-19 gửi các mẫu vaccine của mình cho WHO đánh giá song song với việc cho các cơ quan quản lý tại các quốc gia thu nhập cao phê duyệt", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Trong thông cáo, WHO cho biết vaccine này được sản xuất bởi liên doanh AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc) và Viện Serum Ấn Độ.
Vaccine của AstraZeneca/Oxford chính thức được bổ sung vào danh sách sử dụng khẩn cấp chỉ vài ngày sau khi ủy ban đánh giá của WHO đưa ra khuyến nghị sơ bộ cho vaccine này. Đánh giá của WHO khuyến nghị tiêm vaccine này hai liều cho người trưởng thành, mỗi liều cách nhau 8-12 tuần và có thể phòng ngừa biến thể Covid-19 tìm thấy ở Nam Phi. Ủy ban đánh giá của WHO nhận định vaccine này đáp ứng các tiêu chí bắt buộc về an toàn cho người dùng và hiệu quả vượt trội so với rủi ro tiềm tàng.
Vaccine AstraZeneca-Oxford được đánh giá cao nhờ mức giá rẻ và dễ phân phối hơn so với các loại khác, bao gồm của Pfizer-BioNTech - vaccine được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Khởi nguồn từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 đã lan ra hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Đến nay đã có gần 109 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu và hơn 2,5 triệu người tử vong.
Vaccine của AstraZeneca-Oxford hợp tác phát triển chiếm phần lớn trong ngân hàng vaccine của Cơ chế COVAX toàn cầu. Đây là cơ chế được do liên minh vaccine Gavi, WHO, Liên minh Vì đổi mới về chuẩn bị phòng dịch (CEPI) và Quỹ Trẻ em của Liên Hợp Quốc đồng điều hành. Cơ chế này cam kết sẽ phân phối vaccine cho trung bình 3,3% tổng dân số của 145 nước tham gia.
WHO đã thiết lập danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) để giúp các quốc gia kém phát triển có thể nhanh chóng tiếp cận với dược phẩm điều trị những loại bệnh mới như Covid-19. Tổ chức này dự kiến bắt đầu phân phối hơn 330 triệu liều vaccine AstraZeneca-Oxford cho các nước thu nhập thấp từ cuối tháng 2.