Xả lớn ở HPG, bắt đáy còn “có ăn”?
Hơn 60,3 triệu cổ phiếu HPG được bắt đáy trong ngày điều chỉnh giá sắp về tài khoản. Hôm nay HPG bị xả lớn nhưng lợi nhuận bắt đáy vẫn còn 2,47%...
Tình trạng giao dịch chập chờn có phần đỡ hơn trong chiều nay nhưng lệnh vào vẫn chậm. Bù lại hệ thống HoSE chạy được đến hết ngày dù ATC khớp lèo tèo. Thanh khoản sàn này tiếp tục lập kỷ lục mới.
Tổng giá trị giao dịch của HoSE đạt 26.143 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh đạt hơn 24.159 tỷ đồng. Cả hai con số này đều là mức cao nhất lịch sử.
Hệ thống tiếp tục phản hồi chậm trong phiên chiều và lệnh bị treo, dẫn đến thanh khoản chưa phải là tối đa. Riêng đợt ATC sàn HoSE chỉ khớp thành công gần 82,8 tỷ đồng, trong đó VN30 khớp 49,8 tỷ đồng. Như vậy rất nhiều cổ phiếu đã không có giao dịch và rất nhiều lệnh bị rớt lại.
Thanh khoản lớn nhất thuộc về cổ phiếu HPG với tròn 40 triệu đơn vị tương đương giá trị 2.184,7 tỷ đồng. HPG hôm nay tuy chưa lập kỷ lục về thanh khoản nhưng trải qua rung lắc mạnh. Nhà đầu tư có phần lo lắng khi hôm nay là ngày T+2 của khối lượng kỷ lục 60,3 triệu bắt đáy ngày 31/5. Ngày mai khối lượng này sẽ về tài khoản và tính đến cuối ngày hôm nay, lợi nhuận khoảng 2,47%.
Trong phiên HPG biến động khoảng 3,7% với mức thấp nhất 53.000 đồng và cao nhất 55.500 đồng. Mức giảm tối đa của HPG là 4,5% so với tham chiếu, cuối phiên hồi nhẹ, thu hẹp mức giảm còn 2,7%.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ra hơn 18 triệu HPG, chiếm tới 45% thanh khoản của cổ phiếu này hôm nay. Đây là tỷ trọng bán rất lớn vì trước nay tuy vẫn duy trì vị thế bán ròng cực cao với HPG thì khối ngoại phần lớn cũng chỉ chiếm dưới 15% thanh khoản. Mức bán ròng phiên này lên tới gần 956,7 tỷ đồng.
Mức giảm mạnh của HPG khiến VN-Index cuối ngày mất gần 1,3 điểm, nhưng khiến VN30-Index mất tới gần 3,5 điểm. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến VN-Index đóng cửa đã vượt qua được tham chiếu 0,22% hay 3 điểm, trong khi VN30-Index vẫn giảm hơn 4 điểm tương đương 0,27%.
Ngoài HPG, VIC cũng là cổ phiếu lớn gây tác động rất xấu. VIC giằng co mạnh hơn cả HPG, ban đầu tăng 1,58% nhưng cuối phiên giảm 2,08%. Biên độ trong ngày của VIC tới 4,19% và kết thúc theo hướng bất lợi.
VIC cũng bị áp lực rất lớn của khối ngoại khi xả ra tới 2,36 triệu cổ, tương đương trên 75% thanh khoản trong phiên. Lượng mua vào của khối ngoại chỉ chiếm 27%. Như vậy giao dịch gần như là một chiều khối ngoại xả, khối nội mua. Tổng giá trị bán ròng tại VIC cũng tới 180 tỷ đồng. Riêng chiều nay VIC bị bán ròng gần 80 tỷ đồng.
Ảnh hưởng của VIC trong VN30-Index lại không bằng HPG do vốn hóa kém hơn. Tuy nhiên với VN-Index, VIC gây thiệt hại khá nặng với hơn 2,2 điểm.
Mặc dù VIC giảm, VNM cũng giảm 0,56%, BID giảm 1,25%, CTG giảm 1,14%, MSN giảm 1,21%, nhưng mức tăng của các trụ khác quá mạnh nên cân bằng dễ dàng. VCB có phiên tăng cực mạnh thứ hai liên tục, đóng cửa trên tham chiếu tới 2,22%. Tuy nhiên VCB cũng bị xả gây sức ép khá mạnh, mức tăng này đã là tụt xuống đáng kể vì giữa phiên sáng có lúc VCB tăng 3,66% so với tham chiếu. Một trụ lớn rất mạnh khác là GAS, tăng 4,42%. Ngoài ra có ACB tăng 5,94%, NVL tăng 2,65%. 4 cổ phiếu này giúp VN-Index có tới 7 điểm.
Thị trường chiều nay nhìn chung có chuyển biến tốt hơn phiên sáng. Thanh khoản không có gì nổi trội, HoSE chỉ khớp thêm được 7.647 tỷ đồng nữa, trong đó đại đa số dồn vào HPG và vài mã ngân hàng như VPB, STB, TCB, LPB, MBB, CTG. 7 cổ phiếu thanh khoản nhất phiên chiều đã chiếm gần một nửa giá trị sàn HoSE chiều nay.
Với độ rộng cuối ngày được công bố là 228 mã tăng/187 mã giảm, mức tăng giá là khá nhiều ở số lượng mã. Ngay cả khi số liệu phiên sáng được chấp nhận thì chiều nay vẫn có sự thay đổi đảo chiều giá. Đó là tín hiệu tích cực.
Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng tới 1.210 tỷ đồng. Ngoài 956,7 tỷ bán ròng tại HPG, còn có VIC (-180 tỷ), NVL (-73,4 tỷ), VNM (-59 tỷ), STB (-48 tỷ), MSN (-41 tỷ)... Phía mua ròng chỉ có VCB là đáng chú ý với hơn 100 tỷ đồng. Cầu ngoại chiếm hơn một phần ba thanh khoản VCB, là yếu tố đẩy giá khá quan trọng.