Bảng điện lộn xộn, “mù” số liệu giao dịch
Số liệu diễn biến của VN-Index sáng nay không chạy, giá trên bảng điện thì trễ và không chính xác khiến nhà đầu tư phải giao dịch trong tình trạng “bịt mắt”. Công ty chứng khoán thì ngay từ sớm đã khuyên không nên hủy sửa và “cân nhắc giá trước khi đặt lệnh”...
Số liệu diễn biến của VN-Index sáng nay không chạy, giá trên bảng điện thì trễ và không chính xác khiến nhà đầu tư phải giao dịch trong tình trạng “bịt mắt”. Công ty chứng khoán thì ngay từ sớm đã khuyên không nên hủy sửa và “cân nhắc giá trước khi đặt lệnh”.
Sau phiên ngắt hệ thống chiều qua, sàn HoSE quay lại giao dịch sáng nay và được trông đợi là “bình thường trở lại”. Tuy vậy tín hiệu xấu ngay từ trước khi mở cửa, là tin nhắn của các công ty chứng khoán cảnh báo: “Lệnh vào sàn HoSE chậm, quý nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi đặt lệnh, hạn chế hủy sửa lệnh trong phiên”.
Vào phiên thị trường ngay lập tức thể hiện đúng những gì mà công ty chứng khoán cảnh báo. Kiểm thử với 3 công ty chứng khoán khác nhau, lệnh vào có độ trễ tối thiểu 5 phút đến 7 phút. Nghĩa là khi nhà đầu tư đặt lệnh, lệnh sẽ được treo đến khi HoSE xác nhận vào hệ thống trong từ 5-7 phút.
Việc hủy sửa lệnh cũng vậy, hầu hết phải chờ 5-7 phút để có thể xác nhận thay đổi. Thậm chí một số công ty chứng khoán còn không cho hủy sửa lệnh.
Số liệu giá và chỉ số VN-Index trên bảng điện đều không chính xác – thực tế cũng không biết thế nào là chính xác vì các bảng đều không cập nhật như nhau. Giá cổ phiếu đang khớp ở mức nào cũng không thể nói là chính xác hay không, bảng điện nào đúng hơn bảng điện nào. Ngay cả lệnh mua vào giá cao hơn giá khớp đang nhìn thấy mà không khớp thành công thì cũng có thể là do lệnh bị treo như mới nói ở trên.
Chỉ số VN-Index bắt đầu không được cập nhật từ khoảng 9h30. Đến 10h đột ngột có số liệu mới khiến đồ thị nhảy tăng thẳng đứng. Số liệu chết từ 10h19 đến 11h30 mới được cập nhật và đồ thị lại gục thẳng băng rơi tự do. Không rõ hướng di chuyển của VN-Index thế nào, nhưng kết phiên số mới nhất đang là giảm 0,21% so với tham chiếu.
Điều may mắn hơn là chỉ số VN30-Index vẫn “hoạt động”. Chỉ số này liên quan đến thị trường phái sinh nên nếu cũng “mù” như VN-Index thì nhà đầu tư không giao dịch được. Theo diễn biến của VN30-Index thì thị trường đạt đỉnh khoảng 10h30 với mức tăng cao nhất của chỉ số này là 0,41% so với tham chiếu. Cần nhấn mạnh rằng do VN-Index không được cập nhật số liệu nên các giá mở cửa, cao nhất, thấp nhất sáng nay là không chính xác.
VN30-Index kết phiên sáng giảm 0,56% so với tham chiếu, với 13 mã tăng/17 mã giảm. Cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm blue-chips là VCB tăng 2,41%, GAS tăng 4,3%, NVL tăng 2,8%, MWG tăng 1,17%. Ngoài ra ACB tăng 4,39% là đáng kể nhất ngoài rổ này.
Độ rộng của VN-Index lúc chốt phiên sáng ghi nhận cũng rất lộn xộn. Bảng giá trên web của HoSE thì có 190 mã tăng/211 mã giảm. Một số bảng điện của công ty chứng khoán thì 182 mã tăng/188 mã giảm, hay 167 mã tăng/156 mã giảm.... Nói chung số liệu không nhất quán.
Giá trị giao dịch sáng nay cũng là một con số có rất muộn. Đến cuối phiên HoSE trả về mức giao dịch khớp lệnh 16.511,8 tỷ đồng và tổng giá trị gần 17.975 tỷ đồng. Mức thanh khoản này rất thấp, một phần lý do là lệnh bị treo quá nhiều và số liệu tù mù nên nhà đầu tư không dám giao dịch.
Tuy nhiên thanh khoản trên sàn HNX cũng giảm rất nhiều, thay vì thu hút được dòng tiền từ HoSE sang. Cụ thể, tổng giá trị khớp lệnh ở HNX phiên sáng chỉ đạt 2.663,6 tỷ đồng, giảm 15% so với sáng hôm qua.
Do thị trường không đáng tin cậy về số liệu giao dịch nên rất khó để đánh giá diễn biến phiên sáng nay. Nếu căn cứ vào biến động của cổ phiếu trong VN30 cũng như VN30-Index thì thị trường tăng khá tốt giữa phiên, sau đó đang quay đầu thoái lui. Rất nhiều cổ phiếu đảo từ tăng thành giảm hoặc tụt lùi biên độ rất lớn so với đỉnh giữa phiên. Chẳng hạn VIC dẫn thị trường lên nhờ mức tăng 1,58% nhưng kết phiên đã giảm 1,67%. VHM từ tăng 1,44% đã tụt lại còn tăng 0,19%. VCB từ tăng 3,66% còn 2,41%...
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được ghi nhận bán ròng 683,7 tỷ đồng, trong đó xả ròng HPG tới 629 tỷ đồng. VIC cũng bị bán ròng gần 110 tỷ đồng. VMN, STB, MSN, VPB, VHM cũng bị bán ròng khá lớn. Phía mua ròng có VCB, BWE, OCB, MBB...